Trong mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người Việt thường không thể thiếu khoanh giò, miếng chả. Có biết bao nơi trên khắp mọi miền đất nước làm giò chả nhưng thứ giò chả mang phong vị ẩm thực Việt, chứa cả hồn xuân thì chỉ có ở Ước Lễ (Tân Ước – Thanh […]
Trong mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người Việt thường không thể thiếu khoanh giò, miếng chả. Có biết bao nơi trên khắp mọi miền đất nước làm giò chả nhưng thứ giò chả mang phong vị ẩm thực Việt, chứa cả hồn xuân thì chỉ có ở Ước Lễ (Tân Ước – Thanh Oai) mà thôi.
Cổng làng Ước Lễ được xây dựng cách đây hơn 500 năm
cũng là thời điểm nghề giò chả hình thành Trải qua hơn 500 năm gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của quê hương, yếu tố làm nên sự thịnh vượng cho thương hiệu giò chả Ước Lễ không chỉ ở sự thơm ngon, an toàn vượt trội mà còn ở chiều dài lịch sử. Giò lụa Ước Lễ không làm đại trà bởi công đoạn làm giò rất cầu kỳ và công phu từ khâu chọn lợn, pha thịt đến kỹ thuật gói giò, luộc giò…Trước kia, làm giò chả bằng tay, người làng lưu giữ những bí quyết giã thịt sao cho thật dẻo quánh đến mức không dính chày mới được. Đến những năm 1990, người dân chuyển sang làm bằng máy, sức lao động được giải phóng, nhưng dân làng vẫn vận dụng cách làm truyền thống của cha ông. Ông Nguyễn Đức Bình – người làm giò chả kỳ cựu của làng Ước Lễ cho hay: giò chả Ước Lễ có điểm đặc biệt, yếu tố chọn thịt rất quan trọng, phải là thịt của con lợn khỏe mạnh, tế bào thịt phải sống, phải lên màu âu da. Ngoài ra, cách chế biến của người Ước Lễ cũng rất riêng, dù giã tay hay chạy máy thì khi thịt chuyển màu như thế nào mới cho gia vị không phải ai cũng làm được. Chính sự công phu trên đã tạo ra những khoanh giò ngon mang sắc hồng phớt nhẹ, xuất hiện lỗ lăn tăn tròn nhỏ, khi dùng dao cắt mà dao bị xít, dính mặt giò, khó thái chứ không trơn tuột. Đáp ứng nhu cầu của thực khách, người Ước Lễ còn sáng tạo các loại giò khác như giò bò, giò gà, giò xào. Mỗi loại giò có một vị ngon khác nhau nhưng vẫn mang thi vị đậm đà của làng Ước Lễ bởi hương vị đặc trưng, không hóa chất, quả giò chắc chắn, đẹp mắt.
Giò chả Ước Lễ – đặc sản hồn quê Việt
Giò lấy biết bao mồ hôi, công sức của người làng Ước Lễ thì chả được hình thành cũng phải trải qua rất nhiều nhọc nhằn, khó khăn. Trong nghề làm giò chả ở Ước Lễ, người ta cũng quy định rất rõ ràng về quy luật âm dương, thịt phần âm (nạc) nhiều sẽ làm giò, thịt phần dương (mỡ) nhiều sẽ làm chả. Chả quế Ước Lễ đặc sắc không kém, được coi như món thượng hảo. Công đoạn sơ chế giống như làm giò lụa, nhưng khi pha chế thì có thêm bột quế. Muốn có chả ngon phải nướng bằng than hoa. Khi chín, chả quế có màu vàng ươm, thưởng thức thấy dậy mùi thơm thịt nướng, vị cay hấp dẫn của quế, vị ngọt của mật ong và phảng phất hương nồng của hoa hiên. So với chả quế thì chả rán lại có dư âm riêng. Thịt mỡ thúc với thịt nạc đã xay và hấp cách thủy. Khi bỏ ra hấp màu hoa hiên rồi bỏ vào chảo mỡ sôi rán vàng rộm. Chả rán ăn bùi béo, lạ miệng.
Được vinh danh là làng nghề truyền thống nhưng tại Ước Lễ chỉ có một vài hộ làm giò chả phục vụ nhu cầu bà con, còn trên 200 hộ đã mang tinh hoa làng nghề đi khắp mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài để mưu sinh. Người dân làng Ước Lễ đi làm ăn xa đều thành công trong việc mang hương vị của đặc sản quê hương đến với những miền đất khác nhau. Cứ như thế, giò chả Ước Lễ đã đi vào văn hóa ẩm thực của người Việt. Dù ở đâu, các phố ẩm thực lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các chợ cóc, chợ quê cũng thấy cửa hàng giò chả mang tên Ước Lễ. Ai mà chẳng biết đến cơ sở giò chả Hương Sơn, nơi làm giò chả lớn, uy tín ở Hà Nội; ai mà chẳng biết đến nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, người nổi tiếng với chiếc bánh chưng và cây chả quế được ghi vào guiness Việt Nam. Tự đáy lòng, những người Ước Lễ làm nghề giò chả rất tự hào về nghề cổ truyền của quê hương và luôn tìm cách làm cho giò chả Ước Lễ ngày càng ngon hơn để nó mãi là nét văn hoá độc đáo của quê mình. Như một tục lệ “bất thành văn”, hằng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng người con Ước Lễ đi làm ăn xa đều trở về quê sum họp lễ tạ tổ tiên và ăn tết tưng bừng.Tục ăn tết lại, tết muộn của làng được duy trì nhiều đời nay.
Tương tự như bánh chưng xanh, dưa hành muối, giò chả Ước Lễ trở thành niềm tự hào, tâm huyết của người làm ra. Trong không khí thiêng thiêng của trời đất giao mùa, trong mùi thơm nồng ấm của hương trầm ngày tết, gắp một miếng giò lụa đưa lên miệng tự dưng mọi ưu phiền tan biến, cắn thêm một miếng chả quế thấy cái lạnh dần tan. Chính “bí quyết” của làng nghề 500 tuổi đã làm nên sự tinh túy cho món giò chả Ước lễ trong mâm cỗ ngày xuân.
Sông Hương