Văn hóa

Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2016

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng […]

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Đã là người Việt Nam không ai là không biết đến câu ca ấy và đến ngày Giỗ tổ hàng triệu bước chân của con Lạc cháu Hồng lại nô nức hành hương về Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc.

1

Lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Hùng

Truyền thuyết kể rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Theo truyền thuyết thì có 18 đời vua Hùng. 1 đời vua là 1 triều đại. Truyền thuyết ghi 18 đời Hùng vương có tổng cộng 180 vua. Cứ ngày 10 tháng 3 âm lịch người người trẩy hội đến với Đền Hùng – tìm về nguồn cội của mình. Lễ hội là dịp để con Lạc, cháu Hồng hành hương về nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016 diễn ra trong 5 ngày từ 12-16/4/2016 (tức từ ngày 6-10/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các xã, phường vùng ven Đền Hùng. Lễ hội do tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của tỉnh Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau. Theo Ban tổ chức, Lễ hội Đền Hùng năm nay không nhận những vật phẩm cung tiến kỷ lục như bánh chưng, bánh dày, rượu…

Điểm nhấn của Lễ hội Đền Hùng năm 2016 là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương” diễn ra vào 20h ngày 12/4 (6/3 âm lịch) và nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng vào sáng 16/4 (10/4 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Các hoạt động được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, gắn với các hoạt động hội nhằm tiếp tục tôn vinh di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Giỗ Tổ Hùng Vương còn có một số hoạt động mới như Triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – bản sắc cội nguồn dân tộc;” trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; triển lãm tranh, ảnh của các họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phú Thọ kết hợp giới thiệu các tác phẩm thơ, nhạc hay về Phú Thọ… Đặc biệt là diễn ra Lễ hội dân gian đường phố thành phố Việt Trì tổ chức vào ngày 12/4/2016 (tức ngày 6/3 âm lịch), với trên 1.800 người tham gia diễu hành, trình diễn, rước kiệu. Nội dung lễ hội được chia làm 3 phần: Phần 1 – Trình diễn và diễu hành đường phố; Phần 2 – Chương trình Nghệ thuật dân gian đường phố; Phần 3 – Diễu hành của các xe mô hình qua các tuyến phố. Các đoàn văn hóa dân gian của các xã, phường diễu hành và trình diễn các trò chơi dân gian đặc trưng của mỗi địa phương. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa tầm cao tại Hồ Công viên Văn Lang.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” – đó không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.

Sông Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *