Văn hoá đời sống

Giữ gìn nét văn hóa Tết cổ truyền dân tộc

Với tinh thần cùng cộng đồng tham gia vào công việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa làng xã, ngày 22/1/2016, tại Đình So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai đã diễn ra chương trình “Tết Việt – Xuân Đinh Dậu 2017” do nhóm Đình làng Việt tổ chức. […]

Với tinh thần cùng cộng đồng tham gia vào công việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa làng xã, ngày 22/1/2016, tại Đình So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai đã diễn ra chương trình “Tết Việt – Xuân Đinh Dậu 2017” do nhóm Đình làng Việt tổ chức.

Chương trình với sự tham gia của các vị khách quốc tế là các Đại sứ, thành viên đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt nam; Đồng chí Phạm Sanh Châu – Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam; Về phía Thành phố có đồng chí Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà nội; Đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ; Về phía Huyện Quốc Oai có đồng chí Đỗ Lai Luật – Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Vũ Hán – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin cùng lãnh đạo xã Cộng Hòa, Giáo phường Đình làng Việt cùng đông đảo du khách thập phương.

Được tổ chức ở đình So, một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, chương trình “Tết Việt – Xuân Đinh Dậu 2017” đã tái hiện toàn bộ các phong tục Tết cổ truyền xưa trọn vẹn trong vòng một ngày để mọi người cùng tìm về truyền thống, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng đặc biệt là giới trẻ. Với nhiều nội dung được chuẩn bị công phu, phong phú, đặc biệt là sự xuất hiện trang phục áo dài – cổ phục truyền thống của nam và nữ xưa kia. Tại không gian đình, Giáo phường Đình làng Việt đã trình diễn các nội dung nghệ thuật của chương trình, với các nghi thức hát cửa đình, hát xoan, và chèo sân đình – những môn âm nhạc truyền thống gắn bó chặt chẽ với đình làng. Bên cạnh đó, các cổ tục truyền thống như dựng cây nêu, mặc áo dài, xin chữ thư pháp, gói bánh chưng, nấu chè kho, dòng tranh dân gian Kim Hoàng của Hà Nội bị thất truyền từ lâu nay lại xuất hiện với trình diễn in tranh trong chương trình Tết Việt 2017. Qua đó, các đại biểu tham dự chương trình sẽ được biết và hiểu sâu hơn về ý nghĩa ngày Tết Nguyên đán với những phong tục đẹp đẽ làm nên hồn cốt dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn vở chèo Kim Nham

          Vào buổi sáng, chương trình được bắt đầu với công việc gói bánh chưng và nấu chè kho. Tại đây, các vị khách  được trực tiếp hướng dẫn, thực hành gói và luộc những chiếc bành chưng theo cách cổ truyền. Đây là nội dung được nhiều thành viên mong chờ vì cuộc sống đô thị lâu nay khiến gói bánh chưng trở nên xa lạ đặc biệt là giới trẻ.

Với mong muốn tái hiện đúng một cái Tết xưa, Ban tổ chức dành một không gian cho viết thư pháp, trưng bày và giới thiệu các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống … Tại đây, các vị khách có thể nghe đàm đạo về tranh lịch sử, sản xuất và các hình thức sử dụng tranh trong ngày Tết cổ truyền. Cũng tại buổi chiều cùng ngày, các công việc chính của chương trình sẽ được diễn ra như: những cuộc tọa đàm về Tết và những nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam như: Lễ Thành hoàng, nghi lễ dựng cây nêu, các nghi thức thờ cúng tổ tiên cuối năm, giao thừa và ngày đầu năm mới, hát cửa đình, chèo sân đình… Trong đó, hát cửa đình là một phong tục có từ lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa cộng đồng làng xã khi xưa. Hát cửa đình nhằm thể hiện lòng tôn kính dâng lên Thành hoàng làng và mong muốn cầu chúc dân chúng mùa màng tốt tươi, ấm no, hạnh phúc.

Nghi lễ hát Cửa đình

Tại sự kiện, đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ, một người con quê hương xã Cộng Hòa, đã trao lại 37 tấm sắc phong đã được phục chế thời Lê và thời Nguyễn cho đình So sau khi xin phép được phục chế lại trong vòng 3 tháng nhằm đảm bảo cho việc giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị của di tích. Theo đồng chí Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, năm 2017 di tích đình So là một trong 5 di tích của Thành phố Hà Nội được đề xuất xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Đồng chí đề nghị các cấp chính quyền xã Cộng Hòa phối hợp huyện Quốc Oai, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chuẩn bị các thủ tục cần thiết như việc dịch thần phả, văn bia, sắc phong, hoành phi câu đối, bảo quản di vật, cổ vật, giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan di tích, đặc biệt vấn đề phòng chống cháy nổ… chuẩn bị công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt sau này.

 

Dung Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *