Tin tức - Sự kiện

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản cho hôm nay và mai sau

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên trao bằng chứng nhận cho các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội mới được công nhận.  Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến sở  hữu sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với […]

1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên trao bằng chứng nhận cho các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội mới được công nhận.

 Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến sở  hữu sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với 5 di sản thế giới, trong đó 3 di sản riêng (Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng, 82 bia đá tiến sĩ thời Lê – Mạc), 1 di sản đa quốc gia (kéo co) và 1 di sản liên địa phương (ca trù). Xác định đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra trách nhiệm rất lớn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Hà Nội  đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, khoa học để gìn giữ, phát huy giá trị di tích cho hôm nay và mai sau.

          Thực hiện công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội  đã thực hiện đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014 – 2016”. Xây dựng  danh mục và Bản đồ di sản văn hóa phi vật thể, tổ chúc công bố theo quy định gồm 1.793 di sản thuộc 6 loại hình đã được kiểm kê, nhận diện trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Năm 2016, 4 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố được Bộ VHTTDL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Hát và múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), Nghề thêu phục chế Đông Cứu (xã Dũng Tiến,  huyện Thường Tín) và Lễ hội làng Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ). Đồng thời, Hà Nội đã hoàn thành kiểm kê thực trạng hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu tam tứ phủ trên địa bàn, đánh giá thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn. Ngày 1/12/2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể ca trù, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị ca trù như: Tổ chức thành công liên hoan tài năng trẻ ca trù 2016; hướng dẫn, phối hợp với các câu lạc bộ (CLB) ca trù trên địa bàn tiếp tục tư liệu hóa các làn điệu, cách thể hiện đang lưu giữ và thực hành tại các CLB. Biên tập và phát hành tài liệu, giáo trình truyền dạy ca trù tại các CLB phù hợp với từng độ tuổi, đối tượng, đảm bảo các tiêu chuẩn thực hành nghệ thuật ca trù, xuất bản sách nghiên cứu về ca trù, kiểm kê di sản văn hóa hát ca trù tại một số huyện, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động của các CLB ca trù, dựng lại một số bài hát cổ bị mai một…

Năm 2016, lĩnh vực quản lý hoạt động đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc  gia và bảo tàng ngoài công lập được thực hiện hiệu quả. Đã đăng ký hơn 500  hiện vật theo đề nghị của các chủ sở hữu hiện tật tại quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm. Chủ trì thực hiện và thông báo kết quả 2 đợt giám định hiện vật theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Thẩm định 2 hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2016 gồm Hồ sơ tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) và Hồ sơ tượng Trấn Vũ (đền Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình) trình các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL và Chính phủ xem xét, ra quyết định công nhận. Hiện, thành phố có 14 bảo tàng  ngoài công lập. Một số bảo tàng đã và đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày một cách có hệ thống các tài liệu, hiện vật, tái tạo được bức tranh tổng thể và chuyên sâu một số chủ đề nổi bật về các lĩnh vực di sản văn hóa của Thăng Long- Hà Nội, tiêu biểu như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng tiền tệ, Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày…

Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Hà Nội luôn quan tâm đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, cả từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa (Theo thống kê, kinh phí bảo tồn, tôn tạo một số di tích có thể đạt 60-70% từ nguồn xã hội hóa).  Hà Nội cũng giải quyết hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội trong không gian đô thị. Đây vừa là những kết quả đáng ghi nhận vừa là nền tảng vững chắc để Hà Nội tiếp tục  triển khai các biện pháp để các di sản có sức sống lâu bền, phát huy giá trị trong cuộc sống.

2

Văn Miếu- Quốc Tử Giám, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế

Khánh Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *