Di sản – Bảo tồn

Giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống

Từ khi thực hiện Chương trình 06-CTrTU của Thành ủy, đội ngũ cán bộ, viên chức, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội càng ý thức hơn việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc…

Những năm qua, Nhà hát Chèo Hà Nội ngoài việc xây dựng các kịch mục mới, biểu diễn các chương trình nghệ thuật Chèo cho công chúng xem còn phát triển phong trào hát chèo, diễn chèo trong cộng đồng. Nổi bật là việc Nhà hát Chèo Hà Nội đã đưa chèo vào trường học thông qua các buổi diễn, các lớp tập huấn, truyền dạy chèo. Đề án sân khấu học đường sau nhiều năm triển khai đã cho thấy hiệu quả trong việc trao truyền, giáo dục thế hệ trẻ của Hà Nội về môn nghệ thuật dân gian đặc sắc. Nghệ thuật chèo đã được nhiều trường học của Hà Nội giảng dạy dưới hình thức lồng ghép, tích hợp 1 cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với nhiều môn học và hoạt động giáo dục. Một số trường học đã thành lập và duy trì mô hình CLB chèo cho học sinh. Đặc biệt, gần đây là việc triển khai đưa các tác phẩm văn học lên sân khấu để các em học sinh tiếp cận tác phẩm văn học một cách dễ hiểu nhất thông qua sân khấu chèo đã cho thấy hiệu quả rất lớn, giúp các em học sinh thêm yêu văn học, hiểu lịch sử và yêu quê hương, đất nước hơn nữa.

Nhà hát Chèo Hà Nội đã đưa những hình ảnh quen thuộc của văn học dân gian lên sân khấu thông qua các vở diễn như: “Cánh diều làng Vũ Đại”, “Nắm xôi kỳ diệu”, “Cây tre trăm đốt”… và đã rất thành công. Riêng vở chèo “Nắm xôi kỳ diệu” đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất – 2024. Bên cạnh đó, để thu hút công chúng, nâng tầm hơn nữa chất trữ tình, kết hợp nhuần nhuyễn hát, múa, nhạc, kịch… Nhà hát Chèo Hà Nội đã luôn sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động thông qua việc xây dựng nhiều trích đoạn, vở diễn, tái hiện những câu chuyện, nhân vật lịch sử, câu chuyện dân gian và đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu.

Nhà hát Chèo Hà Nội còn dàn dựng nhiều chương trình ca múa nhạc hấp dẫn không chỉ phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước mà còn tăng nguồn thu nhập cho các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát, để họ yên tâm công tác và gắn bó với chèo.

Từ khi thực hiện Chương trình 06-CTrTU của Thành ủy, đội ngũ cán bộ, viên chức, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội càng ý thức hơn việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc. Hàng năm Nhà hát Chèo Hà Nội đều quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng; qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại Nhà hát.

Công tác nghiệp vụ chuyên môn được Nhà hát chú trọng, hàng năm dàn dựng từ 2-3 vở diễn, phục dựng vở diễn cổ “Lưu Bình – Dương Lễ”. Năm 2024, Nhà hát Chèo Hà Nội đã dàn dựng vở mới “Người hát ả đào” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Năm 2024, Nhà hát còn dàn dựng thành công các vở diễn: “Nắm xôi kỳ diệu”, “Cây tre trăm đốt”.

Bên cạnh biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở Thủ đô, Nhà hát Chèo Hà Nội còn đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần… Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, thời gian qua Nhà hát Chèo Hà Nội đã dàn dựng nhiều Chương trình nghệ thuật hấp dẫn, thu hút ngày càng đông khán giả, trong đó có khán giả trẻ tuổi.

6 tháng cuối năm 2024, Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ dàn dựng 2 vở diễn mới; dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật tại: Không gian văn hóa Việt ở Cộng hòa Pháp; Không gian văn hóa tại Minsk (Belarus); Chương trình nghệ chào mừng Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII; Chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; Chào năm mới 2025 và đưa các tác phẩm chèo xuất sắc tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2024…

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *