(HNM) – Sáng 20-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn […]
Linh vật thuần Việt trong không gian Khu di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Anh Tuấn |
Thông tin tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy: Từ hơn 6.000 di tích trên cả nước bị linh vật ngoại lai “trấn giữ” năm 2014, đến nay, hiện tượng nói trên cơ bản đã không còn. Trào lưu cung tiến, công đức các sản phẩm, linh vật xa lạ với truyền thống văn hóa của người Việt được xóa bỏ. Hầu hết cơ sở sản xuất đồ thờ cúng “bất quy tắc” đã chuyển sang chế tác sản phẩm mang hình hài, bản sắc văn hóa dân tộc.
Những địa phương từng là “điểm nóng” về đặt biểu tượng, linh vật không phù hợp trong di tích như Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc… đều rất tích cực trong việc tháo dỡ, di dời linh vật ngoại lai. Riêng tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: 21/27 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội có hiện vật “lạ” đã hoàn thành di dời hơn 200 sản phẩm không phù hợp. Rất nhiều trường hợp thành công nhờ kiên trì vận động, thuyết phục, như việc di dời đôi sư tử đá tại đền Bia Bà, đền Và, chùa Hà, chùa Vẽ, Bích câu Đạo quán… Có thể thấy, dù việc không đơn giản nhưng nếu quyết tâm, kiên trì tuyên truyền, vận động thì hiệu quả sẽ tới.
Tuy nhiên, việc xóa bỏ sự “xâm lăng” của linh vật ngoại lai vẫn gặp không ít khó khăn… Theo ông Nguyễn Cao Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình: Dù rất đồng thuận với chủ trương bảo tồn không gian thiêng, nhưng do kiến thức về linh vật cũng như ý thức về trưng bày các vật phẩm, linh vật không phù hợp với văn hóa Việt ở một bộ phận cán bộ địa phương cũng như người dân còn mơ hồ, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể để phân biệt linh vật ngoại lai, linh vật thuần Việt, nhiều nơi vẫn lúng túng trong việc nhận diện, xử lý vấn đề phát sinh.
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang Phạm Thế Triều nêu: Không chỉ thiếu kiến thức phân biệt linh vật ngoại lai với sản phẩm thuần Việt, người dân còn gặp khó trong phân định về loại hình và tính chất của di tích cũng như sử dụng biểu tượng, linh vật trong mỗi sản phẩm thờ tự. Ví dụ như di tích tín ngưỡng của người Hoa đã được xếp hạng thì họ có được sử dụng, trưng bày tượng, linh vật “ngoại” không? Mẫu linh vật miền Bắc khác với linh vật của miền Nam, miền Trung thế nào… Đó là những điều cần được hướng dẫn chi tiết để người dân dễ thực hiện.
Không chỉ vướng mắc trong xác định linh vật không phù hợp, hiện nay công tác di dời cũng gặp khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ hạn chế, phương hướng tiêu hủy, chế tài xử phạt còn “để ngỏ”…
Cách nào giữ không gian thiêng?
Đình Mộ Lao (quận Hà Đông) là nơi đã di dời linh vật ngoại lai ra khỏi di tích. Ảnh: Thái Hiền |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hậu Yên Thế, để đẩy lùi linh vật ngoại lai, việc nhận diện chính xác và làm sống lại những giá trị của linh vật Việt là rất cần thiết. Thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu, giới thiệu, chế tác biểu tượng, linh vật truyền thống Việt Nam, nay cần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những hoạt động này tới cộng đồng, coi đó là kênh tham khảo, trang bị kiến thức về linh vật Việt để người dân có cơ sở xác định chính xác giá trị văn hóa Việt Nam, nhận diện được linh vật ngoại lai, tránh nhầm lẫn.
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Chí Bền cũng cho rằng, các ban, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về linh vật, biểu tượng thuần Việt (tên gọi, xuất xứ, huyền tích, cách thức bày đặt và ý nghĩa thờ tự…) để khơi dậy niềm tự hào, tình cảm đối với văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Cùng với đó, để bảo đảm tính bền vững, cần có biện pháp cụ thể về xử lý vật phẩm ngoại lai, không chỉ nói di dời chung chung mà phải chỉ rõ di dời đi đâu…
Liên quan tới việc xử lý linh vật ngoại lai, Thạc sĩ Lưu Ngọc Thành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đặt vấn đề: Linh vật thường được chế tác từ đá, có trọng lượng lớn nên việc di dời rất tốn kém, chưa kể yếu tố tâm linh gây tâm lý e dè. Do vậy, liệu có thể nghiên cứu áp dụng biện pháp điều chỉnh linh vật như sửa lại kiểu dáng và phong cách cho phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam không?
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh Trần Tiến Dũng, Bộ VH-TT&DL cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý với những cơ sở sản xuất linh vật, vật phẩm lạ trên phạm vi cả nước; có chế tài xử phạt với những cơ sở đã được nhắc nhở nhưng không chịu di dời linh vật. Đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa – thông tin cơ sở cũng như các cá nhân, tổ chức làm công tác quản lý di tích để họ nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của biểu tượng, sản phẩm, linh vật đối với di tích; có thể tổ chức cuộc thi điêu khắc chuyển đổi những sản phẩm, linh vật “lạ” trở thành linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Như vậy, để công tác này đạt hiệu quả hơn nữa, mang tính bền vững hơn vẫn cần thêm nhiều giải pháp từ các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực, chung tay từ phía cộng đồng. \