Gian bếp từ xưa đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức không gian sống của một ngôi nhà.
Gian bếp từ xưa đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức không gian sống của một ngôi nhà. Không những thế, gian bếp đỏ lửa ấm cúng còn thể hiện một gia đình hạnh phúc, một tổ ấm đúng nghĩa với những bữa ăn ngon.
Gia đình êm ấm, thịnh vượng, vui vẻ được quyết định bởi một phần không nhỏ của gian bếp trong nhà. Bếp hợp phong thủy, bài trí bắt mắt, tiện nghi sẽ tạo cảm hứng cho cả người đứng nấu và những thành viên tham dự mỗi bữa ăn gia đình.Nhắc đến gian bếp không thể không nhắc tới phong thủy, vì bếp là nơi tích tụ nhiều năng lượng dương của gia đình. Nó còn biểu hiện cho sự ấm no, đầy đủ. Do đó, việc hiểu và sắp đặt các đồ dùng trong gian bếp theo phong thủy rất quan trọng.
Nếu trong nhà có một góc nào đó dễ khiến mọi thành viên nhớ nhất lúc đi xa thì hẳn đó sẽ là bếp. Bếp là nơi giữ lửa cho mái ấm, là nơi chăm sóc từ thể chất đến tinh thần cho từng cá nhân. Bếp cũng là “thế giới riêng” của người phụ nữ, để thể hiện nét mềm mại nữ tính, cả sự gọn gàng vén khéo của mình.Bếp là một trong ba yếu tố quan trọng nhất của ngôi nhà. Bếp được các nhà Phong thủy nói riêng và tổ tiên ông bà xưa nói chung xem như nguồn năng lượng sống, nguồn tài lộc, nơi quyết định sự hưng phát, hạnh phúc của cả gia đình.Để hội đủ điều kiện cho một không gian bếp theo đúng Phong thủy, nhà bếp cần đảm bảo một số yếu tố:
Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi đặt bếp là phải có sự tương ứng với cửa và chiều cao của chủ nhà. Theo quan niệm xưa, Đông Bắc là hướng tốt nhất để đặt bếp. Kế tiếp là hướng Nam, hướng chính Tây. Các hướng khác đều không tốt.Cổ nhân khuyên nên để lò nấu “tọa hung hướng cát”, có nghĩa là nằm ở hướng dữ nhưng nhìn về phương lành: “Cửa bếp là nơi đưa củi vào đáy nồi để đốt, phải đặt nó quay về hướng lành, như thế nhanh có phúc”.Không nên bố trí bếp quá lộ liễu, khiến người ta có thể nhìn thấy ngay từ ngoài hoặc để đường từ cửa đâm thẳng vào bếp vì như vậy dễ bị hao tán tài sản. Bệ đặt hỏa lò, theo các chuyên gia phong thủy, nên tựa vào tường cho vững chãi.
Ngoài ra nên tránh để góc nhọn chiếu vào khu vực nấu vì điều đó có thể làm hại tới hòa khí trong nhà. Đừng để bếp dưới xà ngang: dưới xà có bếp, nữ chủ nhân sẽ bị tổn hao. Còn nếu bếp đặt đối diện với nhà vệ sinh hay cửa phòng ngủ, sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Mặt khác, bếp thuộc hỏa, kỵ nhất với khí mát lạnh của nước.Không đặt bàn nấu trên rãnh, mương, đường nước, và cuối cùng tránh để hỏa lò kẹt giữa hai đồ đạc có mang theo “thủy” như tủ lạnh, bồn rửa, máy giặt…Chân bếp không được gập gềnh. Nghiêng lệch là điều tối kỵ khi đặt bếp. Mái nhà bếp không được để dột, có nước rơi vào…
Thường thì gian bếp là độc quyền của người phụ nữ trong nhà, là nơi họ thỏa sức sáng tạo những món ăn ngon phục vụ cha mẹ, chồng con sau một ngày lao động, học tập mệt nhọc. Nhưng cuộc sống ngày càng hiện đại, bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng có thể vào bếp ngay cả các đức ông chồng. Đàn ông vào bếp không còn là điều lạ, họ giúp vợ mỗi khi vợ bận công việc, khi vợ mệt đơn giản, họ vào bếp chỉ vì sở thích. Đã qua rồi cái thời mà người phụ nữ phải cơm bưng nước rót, còn đàn ông thì chỉ ngồi chờ cơm xem tivi. Đàn ông hiện đại bây giờ không ngại xắn tay vào bếp, thậm chí rửa bát cho vợ con. Đơn giản, họ là những người hiểu rằng bếp là nơi tạo ra những phút giây đầm ấm, sum họp, những bữa cơm ngon. Chia sẻ công việc với vợ con trong căn bếp cũng là để tình cảm gắn chặt hơn, gia đình hòa thuận hơn.
Không phải tự nhiên mà người ta có câu nói “Giữ lửa cho bếp, giữ hơi ấm cho gia đình”, thế mới biết vai trò của căn bếp đỏ lửa quan trọng như thế nào. Có những người đàn ông dù bận cỡ nào cũng nhớ về nhà thưởng thức món ăn vợ nấu và quây quần cùng gia đình bên mâm cơm. Biến mình thành chủ căn bếp, toàn quyền sử dụng như một bí kíp giữ chồng không thể thiếu của rất nhiều người phụ nữ hiện nay. Là niềm vui. Là hạnh phúc độc quyền. Là niềm kiêu hãnh của bản thân… Vì thế, người phụ nữ hiện đại dù bận rộn nhưng vẫn muốn tự mình vào bếp để giữ lửa cho gia đình.
Như chị N.T.H, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Nấu ăn không chỉ là sở thích, mà còn là một thú vui giúp tôi cân bằng lại trạng thái sau một ngày làm việc bận rộn. Rời cơ quan trở về nhà, trên đường đi, trong đầu óc tôi đã “nhảy múa” những hình ảnh từng món ăn mà mình sẽ vào bếp chế biến cho chồng con. Cứ nghĩ đến hình ảnh bát đĩa sạch trơn sau mỗi bữa ăn và hai bé con chìa bát ra “mẹ cho con xin thêm bát nữa…” thì những mệt mỏi hay stress dường như tan biến hết, thay vào đó là tinh thần phấn chấn khi bắt tay vào bếp.Sau mười năm về sống chung một nhà, anh xã chưa khi nào không về nhà ăn cơm cùng với vợ con, thậm chí anh đi liên hoan hay ăn cỗ ở đâu rồi, nhưng vẫn cứ nhắn vợ chừa phần cơm. Đó chính là động lực để tôi hăng hái vào bếp mỗi ngày, luôn trau dồi, học hỏi để nấu những bữa ăn ngon cho gia đình và người thân. Không chỉ có thế, thỉnh thoảng tôi cũng vào bếp làm một số món đãi đồng nghiệp vào những dịp liên hoan. Thật vui là mọi người cũng đều thích và tín nhiệm khi để tôi lên thực đơn và tự tay chế biến”.
Chưa bao giờ câu chuyện bếp núc lại trở thành đề tài “hot” như hiện nay trên các diễn đàn, mạng xã hội. Mỗi một người có cách nhìn nhận và chăm sóc cho căn bếp của gia đình khác nhau nhưng tựu chung đều thể hiện được sự vun vén, ấm no của gia đình. Chẳng ai mong muốn sống trong một căn nhà mà bếp không bao giờ đỏ lửa, giữ lửa căn bếp của bạn cũng chính là giữ lửa hạnh phúc. Dù cuộc sống có bộn bề bao nhiêu, thì xin đừng quên trở về chăm sóc cho gia đình, cho căn bếp, cho những bữa ăn ấm cúng đủ đầy mọi thành viên.
Chang Nguyễn