Văn hóa

Giữ lửa đất trăm nghề

Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội trong suốt dặm dài lịch sử không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, mà còn nổi tiếng “đất trăm nghề” với những nét đặc sắc, độc đáo. Đặc biệt, sự tồn tại của các làng nghề không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Song, cuộc sống hiện đại đang khiến nhiều làng nghề của Hà Nội, nhất là các làng nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một. Làm gì để bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, giữ mạch nguồn văn hóa trong dòng chảy hàng nghìn năm là câu hỏi rất cần lời giải. Báo Hànộimới trân trọng gửi đến độc giả loạt bài viết “Giữ lửa đất trăm nghề”.

theu-long-bao-tai-lang-nghe.jpg
Thêu long bào tại làng nghề truyền thống Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín).

Bài 1: Tinh hoa làng nghề truyền thống

Hà Nội hiện có 806 làng có nghề, trong đó có 321 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Làng nghề Hà Nội hội tụ đủ các nhóm nghề: Sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây, tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh… Nhiều làng nghề với tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm không chỉ góp phần nâng cao đời sống kinh tế người dân, mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật, nét đặc trưng riêng của mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiến.

Những nghề di sản

“Bát Tràng làm bát/Kiêu Kỵ dát vàng” – Ngược về phía Đông Bắc của Hà Nội, vùng đất giao thoa của văn hóa Thăng Long và văn hóa Kinh Bắc với nhiều làng nghề đặc sắc. Một trong số đó là làng nghề dát vàng, bạc quỳ truyền thống Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, vốn vang danh xưa nay.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Kiêu Kỵ Nguyễn Xuân Dũng, nghề do cụ tổ nghề Nguyễn Quý Trị truyền dạy cho người dân từ hơn 300 năm trước và được lưu truyền, bảo tồn, gìn giữ đến nay. Thời phong kiến, nghề dát vàng, bạc quỳ của làng khá phát đạt, cung cấp vàng, bạc quỳ cho hầu hết công trình tín ngưỡng, cung đình, công trình kiến trúc, công trình văn hóa. Nhiều thế kỷ qua, người dân Kiêu Kỵ có cuộc sống sung túc nhờ đôi tay khéo léo và con mắt nghệ thuật sắc sảo, tinh tế cũng như tính kiên trì, cần mẫn, cẩn thận của người thợ dát vàng, bạc quỳ với hàng chục công đoạn khác nhau.

Ngày nay, nhiều công đoạn của nghề dát vàng, bạc quỳ được làm bằng máy móc hiện đại nhưng có những công đoạn không thể rời bàn tay khéo léo, khối óc tinh tế của người thợ, người nghệ nhân bên những họa tiết tinh xảo.

Theo Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung (làng nghề Kiêu Kỵ), một người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng diện tích hơn 1m². Để làm được như vậy, người thợ quỳ vàng phải đập khoảng một giờ liên tục với hơn 400 nhát búa. Cũng bởi là làng nghề “độc nhất vô nhị”, cho nên một số công đoạn của các làng nghề khác (tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối…) vẫn tìm đến Kiêu Kỵ để mua quỳ vàng dát lên sản phẩm. Những người thợ dát vàng, bạc quỳ với bàn tay, khối óc của mình lại góp công tạo nên những mặt hàng, tác phẩm, nét kiến trúc cho các công trình văn hóa, nghệ thuật tôn kính, linh thiêng. Với những nét truyền thống riêng, độc đáo, làng nghề Kiêu Kỵ đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng đặc sắc, độc đáo không kém, làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín) đang lưu giữ nghề thêu long bào, lưu truyền từ thế kỷ XVIII. Tổ nghề thêu là cụ Lê Công Hành – một vị quan, người xã Quất Động (huyện Thường Tín) mang nghề thêu về truyền dạy cho người dân trong vùng. Dưới thời nhà Nguyễn, thợ thêu Đông Cứu chuyên thêu các trang phục hoàng cung, hoa văn cổ, phục dựng long bào cho quan lại, quý tộc và vua chúa trong triều đình. Thêu long bào đòi hỏi những người thợ có sự tỉ mỉ, tập trung và khéo léo với những quy tắc khắt khe, mang tính chuẩn mực cao; đồng thời có sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Có những bộ trang phục phải mất hàng năm để hoàn thành.

Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi, làng nghề Đông Cứu chia sẻ, kỹ thuật thêu Đông Cứu có nhiều điểm đặc trưng, không phải nơi nào cũng có được. Ngôn ngữ riêng của nghề thêu cổ truyền chính là những hình rồng phượng, vân mây nẩy trăng, hoa lá uốn lượn… Ngày nay, thợ thêu ở làng phục chế các trang phục truyền thống phục vụ cho việc bảo tồn văn hóa, làm phim; sản xuất câu đối, tán, lọng, áo lễ, trang phục lễ hội. Mỗi sản phẩm ra đời là những câu chuyện văn hóa, gắn với mạch nguồn lịch sử của đất kinh kỳ nói riêng, văn hóa các vùng miền cả nước nói chung. Làng nghề truyền thống thêu Đông Cứu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Ẩm thực hồn quê

Độc đáo, đặc sắc của làng nghề truyền thống còn là sự thanh tao, cầu kỳ, trang nhã trong lối ẩm thực chốn kinh kỳ giữa hiện đại, song vẫn đọng lại chút hương vị xưa không đâu có được. Đến Ước Lễ (huyện Thanh Oai), làng nghề giò chả vùng ven sông Đáy hiền hòa vẫn mang dấu ấn văn hóa, lịch sử đậm chất hồn quê: Cây đa, bến nước, sân đình. Không phải ngẫu nhiên mà làng nghề giò chả Ước Lễ lại nức tiếng xa gần, trở thành đặc sản, khiến ai có cơ hội thưởng thức một lần đều nhớ mãi không quên.

Say sưa với câu chuyện giữ nghề giò chả, nghệ nhân Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ: Người Ước Lễ lưu giữ những bí quyết giã thịt bằng tay sao cho dẻo quánh đến mức không dính chày mới được. Song, nếu cứ áp dụng phương pháp thủ công, thì thu nhập từ nghề sẽ thấp. Để giữ nghề, ngoài những bí quyết riêng được lưu truyền, người Ước Lễ đã đưa máy móc, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhưng hương vị sản phẩm vẫn bảo đảm nét đặc trưng riêng với chủng loại ngày càng đa dạng. Hiện tại, ngoài một số hộ làm giò, chả phục vụ nhu cầu tại địa phương, ở Ước Lễ còn có hơn 200 hộ mang tinh hoa ẩm thực của làng đi khắp mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài. Nhiều người dân Ước Lễ sang sinh sống ở Pháp, Mỹ… nhưng vẫn duy trì được nghề mang đậm hương vị của đặc sản quê hương.

Tinh hoa ẩm thực làng quê chốn Hà thành còn là sự gắn kết với không gian văn hóa truyền thống. Cách trung tâm Hà Nội gần 40km, tìm về với văn hóa xứ Đoài, làng nghề Thạch Xá (huyện Thạch Thất) vẫn giữ được nét đẹp của vùng nông thôn truyền thống, với ngôi chùa Tây Phương cổ kính và những con đường rất đỗi bình yên. Nghề làm bánh chè lam của người dân Thạch Xá được truyền từ đời này sang đời khác và cũng đã trải qua không ít thăng trầm. Nhiều năm trở lại đây, nghề làm bánh chè lam Thạch Xá đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ.

Công chức văn hóa – xã hội xã Thạch Xá Khương Xuân Huệ cho hay, chè lam được chế biến từ những nguyên liệu thuần chất nông nghiệp, như: Bột nếp, gừng, lạc, đường kính, mạch nha… Để có những mẻ chè lam có hương vị riêng biệt, việc chọn nguyên liệu có ý nghĩa quan trọng. Nếp làm chè lam phải là nếp cái hoa vàng, gừng phải chọn củ già, hạt lạc phải chắc, mẩy. Chè lam ngon hay không phụ thuộc vào công thức cũng như cảm nhận của đôi bàn tay và đôi mắt tinh tường của người thợ làm bánh. Người thưởng thức món chè lam sẽ cảm nhận được vị thơm của hương nếp mới, vị ngọt dịu mát của đường mạch nha, một chút cay ấm áp của vị nước gừng… Nhờ hương vị khác biệt, gắn với văn hóa ẩm thực làng quê, nên dù có rất nhiều loại bánh kẹo khác nhau, nhưng chè lam Thạch Xá vẫn có chỗ đứng trên thị trường và mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường lên tới 200 tấn chè lam.

Còn rất nhiều những món ăn, các sản phẩm tinh hoa của làng nghề Hà Nội, không dễ gì kể hết. Mỗi sản phẩm làng nghề có một nét đặc sắc, hương vị ẩm thực riêng, không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho người dân, mà còn là những giá trị văn hóa đặc trưng riêng có của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chủ tịch Hội Nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho biết, nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội có lịch sử hàng nghìn năm, gắn chặt và chuyển tải cả một chuỗi dài lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô. Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống là những di sản còn hiện diện trong các công trình văn hóa, kiến trúc đặc sắc; chứa đựng nét văn hóa ẩm thực độc đáo, lưu truyền qua nhiều thế hệ, được đánh giá cao cả trong nước và quốc tế. Không chỉ mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội còn có sự kết tinh của thời đại và chứa đựng tài hoa và trí tuệ, sức sáng tạo của những người thợ thủ công – lực lượng chủ đạo để bảo tồn và phát triển nghề.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Hải, Hà Nội hiện có rất nhiều cơ chế, chính sách để phát triển làng nghề truyền thống; trong đó, có việc công nhận danh hiệu cho các làng nghề, danh hiệu nghệ nhân. Với những làng nghề truyền thống được công nhận đều có đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội; đặc biệt lưu giữ, kết nối, lan tỏa văn hóa. Xã hội càng phát triển bao nhiêu, các làng nghề truyền thống càng cần được quan tâm, phát huy giá trị.

Nhóm PV

Giữ lửa đất trăm nghề (hanoimoi.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *