(LĐTĐ) Công chúng, khách tham quan luôn là mục tiêu “sống còn” của mỗi di tích, bảo tàng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các điểm đến này trên địa bàn Thủ đô đang từng bước thay đổi, nhất là ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày để khả năng kết nối, tương tác với công chúng.
Dịch Covid-19 ập đến đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu như là hai năm trước đây, các “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của Thủ đô như Nhà tù Hoả Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam… luôn tấp nập khách tham quan. Giờ đây, để phòng chống dịch Covid-19, các di tích, bảo tàng ở Thủ đô nhiều tháng qua không có bóng khách du lịch.
Việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thưởng lãm giá trị lịch sử văn hoá ngày càng cao của các đối tượng công chúng là cánh cửa duy nhất cho sự tồn tại của các di tích, bảo tàng thời điểm này.
Cán bộ Bảo tàng quốc gia Việt Nam dạy học trực tuyến “Giờ học lịch sử online” cho các bạn nhỏ khắp mọi miền Tổ quốc. |
Đây cũng là vấn đề mà Hiệp hội Bảo tàng quốc tế nêu ra trong ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2021: “Tương lai của các bảo tàng: Phục hồi và đổi mới”. Hiệp hội Bảo tàng quốc tế kêu gọi các bảo tàng, các chuyên gia và tổ chức có liên quan cùng sáng tạo, chia sẻ các phương thức mới để cùng tạo ra giá trị, các mô hình kinh doanh mới cho những thiết chế văn hóa và các giải pháp mang tính sáng tạo trước những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường hiện nay.
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng đã được thực hiện trong nhiều năm qua.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, tiếp theo đó (năm 2016) là một số phần nội dung trưng bày thường trực được giới thiệu trên website của Bảo tàng. Hiện Bảo tàng đang từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang lưu giữ nhằm thu hút khách tham quan, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Ví như hoạt động trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”; Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online); Giờ học lịch sử online.
Tương tự, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò Hà Nội cũng vừa chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify, nhằm đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận gần hơn đến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu lịch sử. Đây là dịch vụ phát trực tiếp nhạc, podcast và video kỹ thuật số cho phép truy cập hàng triệu bài hát và các nội dung khác từ các nghệ sĩ trên khắp thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà. Với mong muốn duy trì kết nối với công chúng, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có mặt trên một ứng dụng trực tuyến nhằm giúp mọi người tìm hiểu sâu hơn những kiến thức lịch sử, đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch hiện nay. Đây là một trong những hướng đi mới của Ban Quản lý Di tích nhằm giúp thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử Việt Nam một cách dễ dàng hơn.
Kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic gồm các podcast được đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm. Tại đây, Ban Quản lý Di tích sẽ dần đưa đến công chúng các câu chuyện lịch sử, các trưng bày, triển lãm, các buổi tọa đàm và các phỏng vấn ngắn về các nhân chứng lịch sử.
Còn tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội vừa thông tin về trưng bày trực tuyến “Trung thu sum vầy” sẽ được diễn ra vào ngày 19/9 tới đây. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức trưng bày trực tiếp, Trung tâm giới thiệu trưng bày trực tuyến tại địa chỉ website: trungbayonline. hoangthanhthanglong.vn. Truy cập trưng bày trực tuyến, người xem sẽ được gặp gỡ Nhà sử học Lê Văn Lan qua các video clip nói chuyện về Tết Trung thu truyền thống; tục bày cỗ của người Hà Nội với các tích truyện đặc sắc như ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, người con hiếu thảo, tục rước đèn, tục thưởng trăng của người Hà Nội; cùng tìm hiểu về nghệ thuật làm thiên nga bằng bông, món đồ chơi Trung thu đặc sắc của người Hà Nội với nghệ nhân Quách Thị Bắc…
Hiệu quả bước đầu
Việc áp dụng công nghệ số tại các bảo tàng, di tích trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay đã có những hiệu quả và thành công bước đầu, nhận được những phản hồi tích cực của công chúng.
Chỉ sau 2 ngày mở link đăng ký “Giờ học lịch sử online” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, số lượng học sinh đăng ký tham gia khóa học chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” đã lên đến hơn 500 em (vượt số lượng đề ra cho khóa học thứ I, hè 2021), trong đó có rất nhiều em đến từ các vùng miền khác nhau trên cả nước. Phụ huynh học sinh Nguyên Minh Hà Anh, lớp 3 trường Liên cấp Tây Hà Nội nhận xét: “Chương trình hay và ý nghĩa, lại được kết nối với các bạn 3 miền, thực sự cảm ơn cô giáo và Bảo tàng lắm”. Hay chị Vũ Kim Thoa – Phụ huynh học sinh Nguyễn Thảo Nguyên, Lớp 4 trường Tiểu học Gia Thụy, Hà Nội chia sẻ: “Cảm ơn cô giáo, sau mỗi buổi học, con rất hào hứng và thích cứ mong đến ngày học. Con nói con muốn ngày nào cũng được học lịch sử cô ạ”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, trong quá trình phát huy, Bảo tàng cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng và đồng nghiệp về sự phù hợp với xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ tất cả các chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật.
“Thực tế, khi xem trưng bày ảo khách tham quan sẽ thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng thì khách không thể tìm hiểu được hết những giá trị của Bảo vật quốc gia này nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D thì có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin cụ thể về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn…”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn cho hay.
Bạn Nguyễn Thanh Bình, sinh viên Trường Đại học Hà Nội cho hay: “Tôi là người rất yêu thích mỹ thuật. Trước đây, tôi thường hay đi xem các cuộc triển lãm và tham quan các Bảo tàng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi tìm đến những cuộc trưng bày trực tuyến và rất thích thú khi vẫn có thể tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua ứng dụng iMuseum VFA. Qua đây, tôi được nghe thuyết minh tự động để có thể tìm hiểu kỹ hơn về những bảo vật quốc gia, những tác phẩm hội họa tiêu biểu của các danh họa nổi tiếng Việt Nam”.
Với việc số hoá tác phẩm nghệ thuật, tư liệu quý, hiện vật; những chương trình tham quan ảo trong trưng bày, triển lãm, cho dù ở đâu, công chúng và du khách chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể thưởng thức những giá trị lịch sử văn hoá. Đây cũng là xu hướng của các di tích, bảo tàng trên thế giới hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp./.