Ngày 18-4-1957, Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Quyết định số 28/VH/QĐ thành lập Sở Xuất nhập khẩu sách báo Trung ương, sau đó đổi thành Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam với tên viết tắt và sử dụng trong giao dịch quốc tế […]
Ngày 18-4-1957, Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Quyết định số 28/VH/QĐ thành lập Sở Xuất nhập khẩu sách báo Trung ương, sau đó đổi thành Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam với tên viết tắt và sử dụng trong giao dịch quốc tế là XUNHASABA. 60 năm qua, hoạt động của XUNHASABA thông qua việc xuất nhập khẩu sách báo, văn hóa phẩm luôn gắn liền với sự nghiệp phục vụ công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Từ năm 1957 đến 1975, khi đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và làm hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, hoạt động của XUNHASABA thời kỳ này đã gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. XUNHASABA với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ tuyên truyền đối ngoại thông qua các hợp đồng mua bán – trao đổi sách, báo chí, văn hóa phẩm, chơi tem. Sau ngày miền nam giải phóng, đất nước thống nhất, trước nhu cầu phát triển công tác xuất nhập khẩu sách báo ở miền nam, năm 1976, Ban Tuyên huấn T.Ư, cơ quan chủ quản XUNHASABA lúc đó, ra quyết định thành lập Chi nhánh XUNHASABA tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1978, Ban Tuyên huấn T.Ư bàn giao Công ty xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam cho Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Thời kỳ 1978 – 1988, cùng với sự thay đổi về cơ quan chủ quản, bộ máy tổ chức của XUNHASABA, hoạt động xuất nhập khẩu sách báo, tem, văn hóa phẩm vẫn phát triển rất mạnh mẽ. Công ty nhập khẩu một số lượng lớn sách báo, văn hóa phẩm từ các nước, nhất là từ Liên Xô (trước đây), Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu. Đây là thời kỳ phát triển mạnh với sự viện trợ văn hóa của các nước XHCN anh em. Gần 30 triệu bản sách và hàng trăm triệu bản báo chí, băng nhạc, đĩa hát… của các nước XHCN anh em đã được XUNHASABA nhập khẩu vào Việt Nam thông qua các hiệp định, nghị định thư, hợp đồng ký ở các cấp. Đặc biệt, thời kỳ này, việc hợp tác giữa nước ta và các nước XHCN để dịch, xuất bản các ấn phẩm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, mà tiêu biểu là các công trình hợp tác xuất bản như Lê-nin toàn tập gồm 55 tập, Tuyển tập Các-mác, Ăng-ghen cùng nhiều tác phẩm văn học, thiếu nhi nổi tiếng như: Sông Đông êm đềm, Kiến và chim bồ câu, Chiếc chìa khóa vàng, Bác sỹ Ai bô lít… cùng hàng trăm triệu bản báo, tạp chí nhập khẩu từ các nước, nhất là Báo ảnh Trung Quốc, Báo ảnh Liên Xô và Phụ nữ Liên Xô xuất bản bằng tiếng Việt đã được XUNHASABA nhập khẩu và phát hành rộng rãi ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt của thời kỳ này thì các sách báo, văn hóa phẩm được XUNHASABA nhập khẩu về là những món ăn tinh thần vô cùng quý giá cho các tầng lớp nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc.
Hoạt động xuất khẩu văn hóa phẩm đi các nước, nhất là Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và các nước XHCN trong thời kỳ này rất phong phú về chủng loại và đáp ứng số lượng lớn mà các nước yêu cầu: hơn 5 triệu bản sách, hơn 27 triệu bản báo chí, 17 triệu bưu ảnh, hơn 100 triệu tem chơi các loại và một số văn hóa phẩm khác. Nhiều bạn đọc các nước này suốt một thời gian dài sau đó vẫn còn nhớ đến các truyện cổ tích: Tấm Cám, Thánh Gióng, Sự tích trầu cau… của Việt Nam xuất bản bằng tiếng Nga, Anh và ngôn ngữ của các nước Đông Âu.
Sau năm 1990, khi viện trợ văn hóa về sách báo không còn nữa, XUNHASABA gặp những khó khăn chồng chất tưởng như không thể vượt qua nổi cả về nguồn hàng, thị trường, cơ chế thanh toán… Cùng cả nước thực hiện đổi mới, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, XUNHASABA đã mạnh dạn chuyển sang hạch toán kinh tế toàn diện, cải tiến các khâu kinh doanh, tổ chức lại bộ máy, mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để sách và báo chí của Việt Nam có thể xuất khẩu được nhiều hơn ra nước ngoài thì bên cạnh sự cố gắng của các công ty xuất khẩu như XUNHASABA còn phải có sự nỗ lực rất lớn của các ngành xuất bản, in, báo chí, đặc biệt là cần có sự đầu tư công tác biên tập, biên dịch ra các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật, Hàn Quốc… Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm công tác xuất khẩu sách báo ra nước ngoài. Vì vậy, tuy còn khó khăn nhưng Nhà nước cũng đã dành sự hỗ trợ giá cước xuất khẩu bằng 50% giá cước thông thường cho một số loại sách báo phục vụ nhu cầu của người Việt ở nước ngoài và nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam của người nước ngoài.
Từ năm 1998 tới nay, hoạt động của hệ thống xuất bản, báo chí in của nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển bùng nổ của in-tơ-nét, kỹ thuật số với sự xuất hiện của nhiều loại hình, phương tiện truyền thông đa năng, hiện đại và hấp dẫn bạn đọc, nhất là với giới trẻ. XUNHASABA cũng phải kinh doanh theo cơ chế thị trường có cạnh tranh trong điều kiện sách, báo chí Việt Nam xuất bản bằng tiếng nước ngoài – nguồn cung cho xuất khẩu của XUNHASABA ngày càng ít đi do chi phí cao ít lợi nhuận, cước phí vận chuyển ra nước ngoài ở mức cao và không ổn định.
Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu sách báo Việt Nam, trong nhiều năm qua XUNHASABA tham gia nhiều hội chợ, triển lãm sách báo quốc tế để quảng bá xuất bản phẩm, báo chí, văn hóa phẩm của Việt Nam ra thị trường ấn phẩm thế giới. Tên và thương hiệu XUNHASABA đã trở nên quen thuộc với bạn đọc các nước tại các hội chợ, triển lãm sách báo danh tiếng như: Frankfurt (CHLB Đức), Bookexpo America (Hoa Kỳ), Moscow (LB Nga), Tokyo (Nhật Bản) Paris (Pháp), Hồng Kông (Trung Quốc)… và một số hội chợ sách quốc tế khác. Năm 1999, XUNHASABA lập trang www.xunhasaba.com.vn, trở thành một trong các trang mạng (website) đầu tiên của Việt Nam phục vụ công tác xuất khẩu văn hóa phẩm. Bên cạnh đó, mục lục sách mới của Việt Nam cũng được XUNHASABA tổ chức biên tập – biên dịch rất công phu, mục lục sách ra hai kỳ/tháng và mục lục báo chí ra hằng năm để gửi cho các khách hàng trên thế giới có nhu cầu về sách báo Việt Nam để đặt mua. Đến nay, sách báo do XUNHASABA xuất khẩu đã đến với bạn đọc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những năm gần đây, công tác xuất khẩu văn hóa phẩm của XUNHASABA ngoài việc duy trì phân khúc khách hàng truyền thống, thân thiết đã hướng mạnh vào các thư viện lớn, nhất là thư viện quốc gia, các trung tâm thông tin – thư viện của các trường đại học lớn của các nước, sách báo Việt Nam thông qua XUNHASABA đã có mặt ở hầu hết các thư viện lớn, các trường đại học lớn trên thế giới, phục vụ bạn đọc ở các nước: Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện quốc gia Anh, Thư viện quốc gia Ô-xtrây-li-a, Thư viện quốc gia Đức, Pháp, Xin-ga-po, Trung Quốc, Nhật Bản…
Cùng với xuất khẩu, công tác nhập khẩu sách báo có chọn lọc phục vụ công cuộc phát triển khoa học – kỹ thuật – công nghệ – kinh tế – văn hóa, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài của đất nước cũng luôn được XUNHASABA chú trọng. Việc nhập khẩu sách báo được chuyển dần theo hướng đi sâu vào nhập khẩu sách báo chuyên ngành phục vụ hệ thống thông tin – thư viện, viện nghiên cứu của Nhà nước, của các bộ, ngành, các trường cao đẳng trên cả nước.
Với những thành tích cống hiến của mình, XUNHASABA đã vinh dự ba lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba (các năm 1969, 1998, 2007, 2012), nhiều Cờ thi đua cấp bộ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành. Trên bình diện quốc tế, XUNHASABA cũng nhận được nhiều bằng khen, chứng chỉ chất lượng của nhiều hội chợ, triển lãm sách báo danh tiếng trên thế giới.
60 năm qua, với sự thay đổi nhiều lần về tổ chức nhưng uy tín của thương hiệu XUNHASABA không ngừng được nâng cao trên thương trường. Các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức của XUNHASABA luôn phấn đấu phục vụ tốt nhất những nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần kết nối văn hóa Việt Nam với nền văn hóa – văn minh nhân loại.
Theo Báo Nhân dân