Bác Hồ, vị lãnh tụ của đất nước Việt Nam là một con người đặc biệt không chỉ với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân loại. Những đức tính của Bác, nổi bật hơn hết là sự đơn giản và luôn gần gũi với dân chúng, có lẽ cũng vì vậy nên những sở thích và sự thưởng thức của bác cũng thường rất đơn giản.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về "gu thưởng thức" của Bác Hồ trong một số lĩnh vực.
Về ăn uống
Cũng như mọi người, có món ăn Bác Hồ rất thích, nhiều món ăn được, có món không thích. Ví dụ từ nhỏ Bác không ăn được tỏi. Bác lại rất thích ăn các món ăn dân dã như mắm, cà dầm tương, canh chua ăn với rau chuối thái ghém,… Có lẽ trong các món mang hương vị quê hương, Bác thích nhất món cá bống kho lá gừng. Hôm nào đồng chí Cần, cấp dưỡng của Bác, làm món ăn đó, Người thường ăn hết, để món thịt lại.
Ở Việt Bắc, hôm nào có điều kiện ăn tươi, Bác lại bảo: ra gọi cô Cúc (vợ đồng chí Phạm Văn Đồng) và cô Mai vào trổ tài cho Bác cháu mình thưởng thức. Chị Mai làm món gà rút xương, thịt băm trộn nấm hương nhồi đùi gà, đem hấp. Chị Cúc làm món bít-tết. Bác khen ngon, vì làm rất công phu. Bác nhận xét: Gia vị đối với món ăn Việt Nam rất quan trọng. Thiếu gia vị, món ăn sẽ giảm hương vị đi rất nhiều.
Coi trọng nội dung, Bác cũng nhắc nhở cần chú ý đến cả hình thức trình bày, có lẽ ít người biết rằng Bác từng làm việc cho vua đầu bếp lừng danh Esscoffier tại một khách sạn sang trọng ở London, có lẽ quãng thời gian đó cũng có ảnh hưởng nhiều đến gu ẩm thực của Người. Hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, buổi trưa, Bác cháu dừng lại bên bờ suối nấu ăn. Bác bảo: các chú nấu cơm, để Bác rán trứng cho. Bác làm rất thạo. Trứng rán xong mà cơm chưa chín. Bác lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng thành những hình quả trám rất đẹp. Anh em cười thán phục. Bác bảo: Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!
Hình ảnh bữa cơm của Bác (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Ông Đặng Văn Lơ là người phục vụ các bữa ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại, vào các bữa ăn trưa và ăn tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng một chiếc ly nhỏ màu trắng có xuất xứ từ Nhật bản để uống rượu, mỗi bữa Người uống một chút rượu mạnh hoặc rượu thuốc.
Năm 1967, sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yếu nhiều, Người hay mệt và ho. Lo cho sức khoẻ của Người, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các bác sĩ phải chăm sóc Người thật tận tình, chu đáo. Từ đó Người không uống rượu sâm và không hút thuốc lá nữa.
Góc làm việc có hoa nhài
Bác Hồ là người làm việc với sự tập trung cao độ và thường phải làm việc, học tập , nghiên cứu rất nhiều. Bác cũng là người hút thuốc là và uống cà phê trong một thời gian rất dài, từ khi còn trẻ cho đến lúc là lãnh tụ của đất nước.
Theo một số câu chuyện kể lại thì Bác hút Craven A trong thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước (phỏng vấn họa sĩ Phan Kế An). Thường đi đôi với thuốc lá là cà phê. Cuối buổi làm việc, trước khi ăn bữa sáng, Bác thường uống một tách cà phê. Theo lời kể của ông Văn, người từng pha cà phê và sau này theo Bác, Bác thường uống cà phê nóng, đen và không đường, đắng, (vào thời đó Việt Nam có 3 loại cà phê chủ yếu là Robusta, Arabica và Excelsa, mà vị Arabica thì hơi chua, còn Excelsa thì rất ít, nên có lẽ Bác thường uống Robusta). Bác cũng thường uống cà phê sữa khi làm việc khuya. Về sau, do cà phê làm nhớ tới thuốc lá nên khi bỏ thuốc lá được một thời gian Bác cũng bỏ cà phê.
Không gian làm việc của Bác cũng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Trên bàn làm việc của Bác thường có một chiếc đĩa nhỏ để mấy bông hoa nhài, hoa ngọc lan. Nhiều lần trước khi bước lên nhà sàn làm việc với Bác, ông Lập thường ngắt một vài nụ nhài sắp nở bỏ vào trong túi áo ngực. Ngồi làm việc với Bác một lúc, người ấm lên, mấy nụ hoa nhài trong túi áo dần nở, mùi thơm ngát, hòa cùng hương nhài trên bàn làm việc của Bác thoang thoảng, dễ chịu vô cùng. Tại Việt Bắc, nhà đạo diễn điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Roman Carmen hỏi: – Thưa Chủ tịch, mỗi ngày Người làm việc mấy giờ? Và Bác vui vẻ trả lời: – Tôi thức dậy cùng tiếng chim hót và chỉ lên giường khi bầu trời mọc đầy sao.
Hình ảnh góc làm việc của Bác (Ảnh: Khu di tích phủ Chủ tịch)
Bác Hồ và âm nhạc
Bác là người thuộc khá nhiều bài hát của nước Ng, của Liên Xô. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, báo Sao Đỏ của Hồng Quân Liên Xô từng tường thuật buổi gặp mặt giữa Bác và đồng chí Nguyên soái Liên Xô Kliment Vorosilov (1881-1969), người mà Bác đã có dịp quen biết từ năm 1924, trong lần đầu tiên tới Liên Xô. Trong buổi tới thăm đó, hai vị lãnh tụ cao niên đã cầm tay nhau, say sưa hát những bài ca cách mạng của Liên Xô từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước. Theo chị Anna, một người Nga có con gái được Bác nhận làm cha đỡ đầu, Bác còn hát đượcCachiusa và Chiều ngoại ô Moscow bằng giọng Nga rất chuẩn.
Bà Grotewohl – phu nhân của cố Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Đức Otto Grotewohl – đã có một bài hồi ký vô cùng xúc động về Bác Hồ của chúng ta vào tháng 5/1975 (do Trần Đương ghi), trong đó có một đoạn như sau: “… Bác và nhà tôi đã trao đổi rất nhiều về nghệ thuật. Tôi còn nhớ, một buổi tối, khi Bác tới, nhà tôi mời Bác nghe một đĩa hát thu bản nhạc giao hưởng số 9 của Beethoven sáng tác trong những năm 1822-1824. Sự xúc động lộ rõ trên gương mặt Bác. Trong những phút này, tôi lại thấy đôi mắt Bác mơ màng, tư lự, đúng là đôi mắt của nhà nghệ sĩ giàu cảm xúc. Nhìn gương mặt ấy, người ta có thể liên tưởng đến Lenin khi nghe bản nhạc Appasionata Sonata cũng của Beethoven . Khi bản nhạc vừa dứt, Bác thong thả nói:
– Quả đúng như Beethoven có lần nói: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa từ trong tâm hồn kiên cường bừng cháy!”.
Người Việt Nam ta chắc ai cũng đã một lần nhìn thấy tấm ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long: Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam gồm 120 nhạc công và đội đồng ca gồm hơn 800 diễn viên trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (1930-1960). Có một chuyện liên quan tới lòng yêu âm nhạc của Bác Hồ mà mãi tới tháng 9/1969, chúng ta mới được biết qua bài báo của nhà báo Pháp nổi tiếng, bà Madeleine Riffaud, người con gái đỡ đầu của Bác, đăng trên báo L’Humanité ngay sau ngày Bác mất. Bà kể rằng: Có một lần Bác Hồ bảo tôi: “Con ạ, nếu con muốn làm vui lòng Bác thì hãy gửi cho Bác cái đĩa hát có những bài trước đây của Maurice Chevalier. Hồi ở Paris xưa kia Bác vẫn thường nghe, hồi ấy con còn chưa ra đời”.
Tấm ảnh Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn huyền thoại (Ảnh: Lâm Hồng Long)
Bác hay đọc sách gì?
Bác chắc chắn là một người đọc rất nhiều sách. Ngoài sách bằng tiếng Pháp, Nga và nhiều ngôn ngữ khác, trước khi mất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu giữ lại trên giá sách của mình nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam qua con mắt của người nước ngoài, những khía cạnh khác của cuộc chiến và ảnh hưởng của nó đến nhân dân Mỹ, cũng như những cuốn sách rất có tiếng vang ngay tại nước Mỹ. Trên cương vị người chỉ đạo cuộc kháng chiến của dân ta chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu đối phương qua những cuốn sách xuất bản ở chính Mỹ để thấy được ảnh hưởng của cuộc chiến đến nước Mỹ thế nào. Khu di tích phủ Chủ tịch cũng còn lưu lại nhiều cuốn như:
Viet Nam north (Miền Bắc Việt Nam) – Wilfred G. Burchett (Phóng sự của nhà báo Mỹ về miền Bắc Việt Nam)
Ho Chi Minh on revolution ( Hồ Chí Minh bàn về cách mạng) – Bernard Bfall
The invisible government ( Chính phủ vô hình) -Devit Oaizo và Thomat Rotx (Viết về các lực lượng ngầm của chính phủ Mỹ, khi đó gây chấn động nước Mỹ)
The death of a president ( Cái chết của một tổng thống) – William Manchester (Sách về cái chết của Tổng thống Mỹ John Kennedy)
The new face of war (Bộ mặt mới của chiến tranh) -Malcoln W. Browne (Cuốn sách gồm 14 chương, kể về những sự kiện, những nhân vật, những dư luận, những ý kiến cá nhân về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong những năm 1961-1964.)
The green berets (Mũ nồi xanh) – Robin Moore (Sách về lực lượng đặc biệt của Mỹ, khi đó đang tham chiến tại Việt Nam)
The uncertain trumpet (Tiếng kèn ngập ngừng) – Macwell Taylor (Tác giả cuốn sách là tướng bốn sao Macwell Taylor, nguyên là Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ về hưu năm 1959. Năm 1963, Taylor được Tổng thống Kennedy phái sang miền Nam Việt Nam xem xét kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. )
The foor legged lottery (Cuộc sổ số) – Frank Hardy (Câu chuyện về 2 người chơi cá ngựa tại Úc)
The American crisis in Viet Nam (Cuộc khủng hoảng của Mỹ ở Việt Nam) – Vance Harthe (Cuốn sách của Vance Harthe, một thượng nghị sĩ Mỹ. Ông phân tích chi tiết cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.)
Hình ảnh Bác ngồi đọc sách (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Bác Hồ với phim ảnh
Không có nhiều tư liệu cho biết về những bộ phim bác thường xem, tuy nhiên qua nhiều câu chuyện cho thấy Bác là người rất am hiểu về nghệ thuật điện ảnh, thứ có lẽ còn rất xa lạ với nước ta lúc bấy giờ. Bác là bạn và cũng là đồng nghiệp, là thầy của rất nhiều nghệ sỹ điện ảnh lúc đó.
Trong các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam có lẽ điện ảnh có vinh dự được tiếp cận với Bác nhiều nhất, luôn được Bác quan tâm dạy dỗ trên cương vị một người thầy, và có sự cảm thông sâu sắc mang tính “đồng nghiệp”.
Các nghệ sĩ Hoàng Thái, Nguyễn Khánh Dư kể lại chuyện khi được phân công quay phim tại chiến khu Việt Bắc. Hội trường họp rất thiếu ánh sáng. Các anh loay hoay chưa biết làm như thế nào thì Bác đã hiểu, cho phép dỡ mái tranh để ánh sáng mặt trời soi vào. Số phim chuẩn bị cho việc quay rất ít. Bác hiểu điều ấy nên hướng dẫn anh em chỉ quay những nội dung quan trọng, những hình ảnh cần thiết, những trọng tâm của Đại hội. Có lần đi công tác ở Liên Xô Bác còn dặn anh Khánh Dư: “Nhớ lia máy lên quay lá cờ đỏ sao vàng ở điện Kremli”. Có lúc máy hỏng, Bác tinh ý dẫn đoàn khách chậm lại để anh em sửa máy.
Bác còn chú ý đến mặt nghệ thuật trong tạo hình và thể hiện nội dung, sự kiện quan trọng. Những ngày làm việc ở chiến khu Việt Bắc, nghệ sỹ Nguyễn Đăng Bẩy được quay cảnh Bác làm việc trên căn nhà sàn giữa một màu xanh bao la của rừng núi. Trên bàn làm việc có máy đánh chữ cũ được đặt bên cửa sổ. Bác đã gợi ý: “Nhà quay phim trước tiên là phải chú trọng hình ảnh cho đẹp, điều cốt yếu là phải chân thật, tạo hình có chất hội họa… Ngày quay phim Nguyễn Đăng Bẩy đã quay được cảnh Bác Hồ ngồi làm việc bên cửa sổ rất đẹp, trầm tư, sâu lắng, mang phong cách phương Đông, và sau đó những thước phim này cũng được các đồng nghiệp Cuba và Liên xô sử dụng.
Ông Lê Hữu Lập kể, theo sách: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, H.2003.
Những người con đỡ đầu của Bác Hồ (Trần Đương), NXB Quân Đội Nhân Dân, tr.57.
Bác Hồ với văn nghệ sĩ, tr.231-232.
Chuyện thường ngày của Bác Hồ (Hồng Khanh), NXB Thanh Niên, tr.201.
Thông tin từ khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tư liệu, hình ảnh từ Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bác Hồ – Người thầy, người bạn của điện ảnh Việt Nam – NSND Hải Ninh (Văn nghệ Công An)
Mạc Tú/maskonline (Tổng hợp)