UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Kế hoạch.
Ngày 11/10/2024, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
Kế hoạch nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố nhằm nâng cao nhận thức, chủ động, linh hoạt triển khai nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng trên địa bàn Thành phố đến 2025 và các năm tiếp theo; ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao bảo vệ di tích và công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của nhân dân và cộng đồng dân cư tại nơi có di tích.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý đầu tư tu bổ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng trên địa bàn Thành phố. Huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, di tích có giá trị về lịch sử – văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật, di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ, đảm bảo công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo đúng quy định pháp luật hiện hành và quy định của Thành phố. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng cũng như bảo tồn những đặc trưng văn hóa tiêu đặc sắc, tiêu biểu của Thành phố.
Khu di tích Cổ Loa
Nội dung thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo bao gồm:
Về công tác lập quy hoạch: Triển khai việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố đã được xếp hạng tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Trong đó, 04 di tích Thành phố quản lý, 17 di tích, cụm, di tích do quận, huyện quản lý.
Về Thực hiện theo lộ trình tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và các di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố có giá trị tiêu biểu. Tổng số di tích cần đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025 là 579 dự án với tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng.
Về Thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng Hà Nội bao gồm: Duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và khi lưu giữ hiện vật; trang bị, thay thế trang thiết bị, nâng cấp trưng bày tạo sức thu hút khách du lịch; kiểm kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm.
Về Xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tổ chức thực hiện công tác rà soát, kiểm kê di tích trên toàn Thành phố đưa ra khỏi danh mục các di tích không đủ điều kiện, bổ sung các di tích có giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa nhằm quản lý chặt chẽ các di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Về Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, đảm bảo 100% các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số…
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa. Tổ chức lớp đào tạo tập huấn. Biên soạn tài liệu hướng dẫn bồi dưỡng với nội dung, hình thức phong phú, dễ nắm bắt, cập nhật…
Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa. Trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng trogn nước và một số bảo tàng, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông…
Giải pháp thực hiện: Phổ biến, nâng cao nhận thức, pháp luật về di sản văn hóa: Tăng cường tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các chương trình, hoạt động tương tác, xã hội hóa trong công tác truyền thông; Xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí, các đài truyền hình, đài phát thanh đẩy mạnh tuyên truyền.
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực thực hiện: Huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài trong việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa.
Thực hiện cơ chế quản lý, giám sát sử dụng nguồn lực: Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các địa phương, các đơn vị có liên quan rà soát đề xuất danh mục di sản cần được tu bổ, tôn tạo; xây dựng kế hoạch, kinh phí bảo đảm phù hợp với Kế hoạch tổng thể, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và khả năng thu hút các nguồn lực. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện các mục tiêu và tiến độ triển khai các nhiệm vụ; huy động sự tham gia, đóng góp, giám sát của xã hội trong việc thực hiện kế hoạch. Ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, thất thoát, lãng phí nguồn vốn được cấp.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Tăng cường trao đổi chuyên gia và giảng viên, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá, quyết định, tiếp tục lựa chọn, bổ sung các di sản, di tích ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo thuộc phạm vi thực hiện của Kế hoạch và chịu trách nhiệm xác định mức độ xuống cấp, tính chất cấp thiết của các di tích được đề xuất để cấp thẩm quyền quyết định lựa chọn đầu tư tu bổ, tôn tạo.
UBND quận, huyện, thị xã thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di sản, di tích do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng có hiệu quả, không để thất thoát và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại cơ sở, kịp thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp để thất thoát kinh phí.
Các Sở, ngành, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện thống nhất và lồng ghép nội dung hoạt động của kế hoạch với các chương trình, dự án liên quan.
UBND Thành phố yêu cầu đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong công tác quản lý Nhà nước về di sản. Thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Thủ đô trong và ngoài nước; đặc biệt là các địa phương có di sản đặc trưng, tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô. Bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng trở thành di sản có chất lượng cao, phục vụ giáo dục truyền thống; góp phần phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương.
Đức Minh