Sau khi được UNESCO vinh danh năm 2009, ca trù đã có bước phát triển đáng kể, nhưng đến nay loại hình âm nhạc bác học này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Năm 2014, Việt Nam đã trình UNESCO báo cáo về những công việc liên quan đến bảo […]
Sau khi được UNESCO vinh danh năm 2009, ca trù đã có bước phát triển đáng kể, nhưng đến nay loại hình âm nhạc bác học này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Năm 2014, Việt Nam đã trình UNESCO báo cáo về những công việc liên quan đến bảo vệ ca trù, tuy nhiên do chưa đủ điều kiện xem xét đưa di sản này ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp nên UNESCO yêu cầu đến năm 2017, Việt Nam phải có báo cáo tiếp theo. Theo tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thì công cuộc bảo tồn ca trù có vấn đề là do cho tới nay chưa có đề án bảo tồn cấp quốc gia. Sự chậm trễ cho ra một đề án quốc là vì ca trù có địa bàn quá rộng, mai một quá lâu, và mức độ mai một, phục hồi không giống nhau; sự quan tâm của từng địa phương khác nhau.
Tại tọa đàm Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 22 tháng 10 năm 2015, các nhà nghiên cứu cho rằng, là thành phố lớn, có nhiều nghệ nhân thực hành, nhiều câu lạc bộ, sức sống của ca trù dẫn đầu trong số 14 tỉnh, thành có di sản này, Hà Nội nên tiên phong xây dựng chương trình bảo vệ ca trù. Nhiều người gửi gắm mong đợi Hà Nội sẽ là cơ sở xây dựng đề án quốc gia bảo tồn ca trù.
Hà Nội hiện có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, với 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học… Các câu lạc bộ còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, sáng tác thêm 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân ca trù Hà Nội bày tỏ, ca trù khó thu hút và kén người học, nếu học được thì cũng không có nơi biểu diễn. Nhiều nghệ nhân tâm niệm bảo tồn ca trù nên đào tạo miễn phí, nhưng sau khi đào tạo, nhiều bạn trẻ đã chuyển sang nghề khác vì không sống được với nghề. Hơn nữa, việc truyền dạy hoàn toàn do cá nhân, câu lạc bộ tự trang trải chi phí nên cũng đang duy trì cầm chừng. Số ít người nắm giữ di sản tuổi đời đã 80 – 90 nhưng chưa có chính sách hỗ trợ…
Việc trao truyền cũng hướng tới các tài năng trẻ
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Hà Nội cần xây dựng dự án bảo tồn ca trù, đánh giá toàn diện việc bảo vệ ca trù 6 năm qua; đầu tư cấp tốc cho việc trao truyền. Hà Nội cũng phải tạo điều kiện để ca trù được trình diễn, thực hành thường xuyên, nếu không ca trù không có sức sống bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu bài bản ca trù, tư liệu hóa các bài bản mà nghệ nhân lớn tuổi đang nắm giữ để câu lạc bộ sử dụng truyền dạy, bảo đảm ca trù không bị nhất thể hóa, từng câu lạc bộ có bản sắc; cho ca trù cơ hội được giới thiệu ở trong các không gian khác nhau… Đào tạo công chúng cho ca trù là chìa khóa bảo vệ di sản.
Tiết mục hát múa tập thể tham dự
Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016
Vừa qua, Sở VHTT Hà Nội tổ chức Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016 nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và thực hành di sản. Liên hoan đã thu hút sự tham gia của 10 CLB ca trù trên địa bàn Hà Nội với 71 tiết mục, 62 thí sinh dự thi múa hát tập thể, 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng, 10 thí sinh đăng ký dự thi đào nương và kép đàn xuất sắc. Liên hoan là sự nỗ lực của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội và các CLB ca trù, nhằm gìn giữ cho thế hệ mai sau một di sản độc đáo, giàu bản sắc dân tộc. Liên hoan cũng là dịp để các nhà nghiên cứu tiếp tục định lượng việc phục hưng nghệ thuật ca trù, tìm định hướng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể ca trù trên địa bàn thành phố, từng bước đưa ca trù khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong những giai đoạn tiếp theo.
Bảo Uyên