Ngay từ quý I/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 67/KH-UBND, về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018).
Với mục đích tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quan tâm đến thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa:’ “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” góp phần độngv iên, chăm lo đời sống các gia đình người có công.
UBND thành phố yêu cầu các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công; nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đới với người có công và thân nhân của họ. Phấn đấu toàn thành phố vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt gần 20 tỷ đồng, tặng 2.555 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” cho người có công; tu sửa, nâng cấp 81 công trình ghi công liệt sĩ. Các ngành, địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ về nhà ở cho 272 hộ gia đình người có công, bảo đảm 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
UBND thành phố khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” còn sống; nhận phụng dưỡng mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” với mức phụng dưỡng tối thiểu 700.000 đồng/người/tháng. Dịp 27/7, các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà người có công, các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ…
Các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ cần tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công; huy động toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hưởng ứng, tham gia.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Thành phố dự kiến dành tổng kinh phí tặng quà dự kiến hơn 103 tỷ đồng. Đối tượng tặng quà cơ bản giữ nguyên như năm 2017, từ năm 2018 điều chỉnh, bổ sung đối tượng là đại diện gia tộc thờ cúng 2 liệt sỹ trở lên sẽ tách riêng theo số liệt sỹ thờ cúng để tặng quà mức 500 ngàn đồng/suất (1 liệt sỹ/suất quà).
Mức tặng quà tới các đối tượng chính sách là người có công với cách mạng mức 1 triệu đồng gửi đến Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, thương binh B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sỹ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi liệt sỹ; người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp.
Bên cạnh đó, thành phố cũng dành hơn 600 triệu đồng để thăm hỏi tặng quà các cá nhân và đơn vị tiêu biểu. Cụ thể là mức 11 triệu đồng/đơn vị, dành thăm, tặng quà cho 42 đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị sản xuất kinh doanh tiêu biểu của thương binh…
Đặc biệt, nhân dịp này Hà Nội tổ chức các đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố đi thăm tặng quà người có công, trong đó dành mức 2,3 triệu đồng/suất để thăm tặng quà 12 cá nhân tiêu biểu là gia đình liệt sĩ có Mẹ Việt Nam anh hùng; dành tặng 60 gia đình liệt sỹ, thương binh tiêu biểu hoặc có hoàn cảnh khó khăn ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố…
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 6/7/2018, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 19 tỷ đồng; dành tặng hơn 2.400 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 75 công trình ghi công liệt sỹ. Đồng thời vận động được hơn 11 tỷ đồng cho việc tu sửa nâng cấp 296 nhà ở cho người có công với cách mạng; 196/196 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng….
PV
Theo MaskOnline