Văn hóa

Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa

Đây là một trong những nhiệm vụ được Hà Nội đặt ra trong sự nghiệp Phát triển văn hóa của Thủ đô trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Phát triển văn hóa là một trong ba nhiệm vụ chủ yếu được Thành ủy Hà Nội đặt ra trong Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 – 2025. Thành ủy Hà Nội xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Phát triển văn hóa nghệ thuật là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa của Thủ đô. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ là nâng cấp chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa. Mục tiêu đặt ra cho 5 năm tới là: Hàng năm, các đơn vị nghệ thuật truyền thống của Hà Nội sẽ dàn dựng mới trên 18 tác phẩm. Đồng thời, số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hàng năm của Hà Nội là sẽ trên 3.000 buổi. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hàng năm sẽ có trên 10 bộ phim tài liệu, khoa học, hoạt hình được sản xuất.

Múa rối nước – Ảnh minh họa

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Thủ đô trong thời gian tới, Hà Nội có chủ trương và định hướng thực hiện rõ ràng. Đó là:

Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo và phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ của Thủ đô, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật của Thành phố… làm phong phú, đa dạng các tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật.

Mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp đặc sắc của văn hóa Hà Nội trong tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, đồng thời thu hút khách du lịch thưởng thức những sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Nghiên cứu tổ chức Tuần lễ văn hóa Hà Nội ở các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa

Chú trọng hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động của các nhà hát, các hội văn học nghệ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giao lưu quốc tế.
Phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; tăng cường các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật quần chúng nhằm khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng đồng thời là chủ thể sáng tạo.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình sân khấu học đường, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Mở rộng quy mô, nâng tầm chuyên nghiệp và phát huy thế mạnh của loại hình nghệ thuật Rối nước, đưa loại hình này trở thành đặc sản văn hóa với khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội.

Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết su sắc, toàn diện về công nghiệp văn hóa. Tăng cường và đa dạng các nguồn lực đầu tư để phát triển côn nghiệp văn hóa. Xây dựng, ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng và phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa.

Ảnh minh họa

Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Thủ đô.

Để hiện thực hóa các chủ trương này, thời gian tới đây, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời giao cho các cơ quan đơn vị chuyên môn xây dựng một số đề án như: Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, Dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà hát, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân Thủ đô…

Phong Lê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *