Nghệ thuật

“Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu”: Định vị thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô

Chương trình hòa nhạc “Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu” của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội trở lại vào tối 7-12 tại Nhà hát Hồ Gươm đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.

Những ca khúc “đi cùng năm tháng” về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và mùa thu dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài ba Honna Tetsuji cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã tạo nên một không gian cảm thụ âm nhạc hấp dẫn, khẳng định thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô.

mot-tiet-muc-bieu-dien-tai-.jpg
Một tiết mục biểu diễn tại chương trình “Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu”.

Những tác phẩm “đi cùng năm tháng”

Chương trình “Hà Nội Concert” là một trong những thương hiệu của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội ra đời nhằm lan tỏa âm nhạc cổ điển tới nhiều đối tượng khán giả hơn.

Tiếp nối hai chương trình “Hà Nội Concert – Hòa nhạc năm mới 2023” diễn ra vào ngày đầu năm (1-1) và “Hà Nội Concert – Giai điệu người lính” vào tháng 7, “Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu” là chương trình kết hợp giữa nhạc cổ điển và các bài hát đặc trưng về mùa thu Hà Nội qua các thời kỳ.

Được chuẩn bị công phu từ nhiều tháng, “Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu” với 2 phần đã để lại ấn tượng đẹp cho công chúng, đặc biệt khi đêm nhạc được diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm – nơi được xem là nhà hát hiện đại nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Trong phần 1 với chủ đề “Mùa thu cách mạng – mùa thu lịch sử”, khán giả được thưởng thức các tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử như: “Người về đem tới ngày vui”, “Hướng về Hà Nội”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Hào khí Thăng Long”… Ở phần này, các ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những bài hát đặc trưng về Thủ đô được Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng phối khí mới với nhiều nhạc cụ khác nhau như cello, kèn clarinet…

Dù khá bận rộn với nhiều dự án âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã dồn tâm huyết cho chương trình hòa nhạc này. Anh nói rằng, Hà Nội luôn trong trái tim mình, bởi thế, khi phối khí những tác phẩm “đi cùng năm tháng” gắn bó với Thủ đô, anh nỗ lực để mang đến cảm xúc mới cho khán giả.

Sang phần 2 với chủ đề “Mùa thu văn hóa – thiên nhiên”, mùa thu Hà Nội hiện lên nhẹ nhàng, lãng mạn qua những ca khúc thân quen như: “Tình yêu Hà Nội”, “Nhớ về Hà Nội”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Hà Nội mùa lá rụng”, “Trời Hà Nội xanh”, “Hà Nội ngày trở về”, “Giấc mơ mùa lá”, “Mùa thu ngọc”…

Các nghệ sĩ piano, cello, violin, clarinet và những giọng soprano, tenor xuất sắc của Việt Nam là: Lan Anh, Đinh Trang, Vũ Thắng Lợi… đã trình diễn những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Nếu như Vũ Thắng Lợi đưa khán giả đến miền âm nhạc lắng đọng của “Cảm xúc Tháng Mười”, ca sĩ Lan Anh nhẹ nhàng, tình tứ với “Hà Nội mùa lá rụng” thì “làn gió mới” của chương trình – nhóm nhạc trẻ Oplus mang đến một sự trẻ trung, mới lạ khi thể hiện các ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là khán giả xem chương trình, chị Nguyễn Thu Hiền (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, “Hà Nội concert – Nỗi nhớ mùa thu” được dàn dựng tinh tế, đẳng cấp đã kể câu chuyện hay về Hà Nội bằng âm nhạc. Đây không chỉ là chương trình có chất lượng nghệ thuật cao mà còn có ý nghĩa, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.

Không gian âm nhạc đậm chất Hà Nội

Vị khách mời đặc biệt khác đến từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tham gia trình diễn tại “Hà Nội Concert” là ca sĩ Khánh Ngọc. Cô tạo dấu ấn với giọng nữ cao khi trình diễn tác phẩm “Tình yêu Hà Nội” và song ca với ca sĩ Đinh Trang ca khúc “Giấc mơ mùa lá”.

Đáng chú ý, buổi hòa nhạc còn có sự góp mặt của nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc vốn là một nghệ sĩ cello đã nhiều lần đoạt giải Nhất tại các cuộc thi thính phòng quốc tế ở Italia và Mỹ. Góp mặt tại đêm nhạc, anh đóng vai trò là một nghệ sĩ cello với những ngón đàn điêu luyện. Đây là lần thứ hai anh xuất hiện cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji với vai trò là nghệ sĩ cello.

Chia sẻ về đêm nhạc, Phan Đỗ Phúc cho biết: “Cho dù đã trình diễn khắp các châu lục, nhưng là một người Hà Nội, mỗi lần biểu diễn tại Thủ đô yêu dấu, tôi vẫn bồi hồi và xúc động”.

Một trong những điểm nhấn của chương trình là tiết mục trình diễn kèn clarinet với nhạc phẩm “Nhớ về Hà Nội” của nghệ sĩ Trần Khánh Quang. Sở hữu những giải thưởng quốc tế lớn thuộc dòng nhạc cổ điển cùng cây kèn clarinet, Trần Khánh Quang còn được công chúng yêu nhạc biết đến với những đêm nhạc độc tấu đầy cảm hứng. Tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ cùng chương trình lưu diễn quốc tế dày đặc đã giúp cho Trần Khánh Quang có kinh nghiệm trình diễn chuyên nghiệp và lôi cuốn trong chương trình.

Dấu ấn của chương trình hòa nhạc “Nỗi nhớ mùa thu” còn có sự đóng góp của nhạc trưởng tài ba Honna Tetsuji. Ông là người có nhiều đóng góp về kỹ thuật cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, trực tiếp đem tới Việt Nam nhiều dự án đào tạo và cộng tác với nghệ sĩ quốc tế, đồng thời cũng là “linh hồn” của chuỗi “Hà Nội Concert” trong suốt một năm vừa qua. Ông chia sẻ: “Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn, dàn nhạc và các nghệ sĩ đã có những buổi tập luyện kỹ lưỡng để mang đến không gian âm nhạc đậm chất Hà Nội”.

Chương trình “Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu” khép lại với 14 tiết mục nghệ thuật, để lại nhiều dư âm đẹp cho khán giả. Trong đêm đông se lạnh, khán giả đã được hòa mình vào bầu không khí ấm áp của những ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội, từ đó thêm hiểu và yêu mảnh đất nghìn năm văn hiến…

Hoàng Lân

“Hà Nội Concert – Nỗi nhớ mùa thu”: Định vị thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô (hanoimoi.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *