Qua 5 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới (NTM). […]
Qua 5 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới (NTM). Bộ mặt nông thôn các huyện ngoại thành thay đổi rõ nét, đời sống nông dân được nâng cao.
Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mang giá trị cao ra đời
Tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn TP trong 5 năm (2011-2015) gần 24.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hơn 7.600 tỷ đồng, ngân sách huyện xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, ngân sách xã gần 1.400 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách hơn 5.800 tỷ đồng (từ doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị và nhân dân đóng góp). Có thể nói, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tới từng thôn, xóm, để người dân hiểu, góp công, góp của với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đến nay Hà Nội đã có gần 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc xây dựng NTM”. Một số huyện đã thực hiện vượt kế hoạch như, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Phúc Thọ,… Đặc biệt, huyện Đan Phượng đã được công nhận huyện đạt chuẩn NMT năm 2014.
Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp
Đáng nói, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hoá đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hoá đạt 95%; hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn; không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát; không có trường phải học 3 ca. 100% số xã có trạm y tế, có hệ thống loa truyền thanh. Công trình nhà văn hóa, sân vận động, trung tâm thể thao từ cấp thôn, cấp xã đến cấp huyện ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống đê điều, kênh mương thủy lợi được củng cố, nâng cấp, bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ và tiêu úng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP cũng có bước chuyển mình về “chất”. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 1,75%/năm. Đến năm 2015, toàn TP đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, từ những mảnh ruộng manh mún, khó sản xuất lớn, nay mỗi hộ gia đình chỉ còn từ 1-2 mảnh ruộng lớn, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Sau dồn điền, đổi thửa, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở các huyện.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời. Đơn cử như mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, thậm chí đạt gần 2 tỷ/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai với giá trị 1-2 tỷ/ha/năm. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đan Phượng là diện tích các vùng sản xuất chuyên canh tăng nhanh, đến nay đã có 951,7ha với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi, các xã đều dành quỹ đất để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vào khu chăn nuôi tập trung nằm ngoài khu dân cư, khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất chăn nuôi ngày càng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp.
Hải Dương