Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội năm 1985. Đến nay, sau 33 năm, kỳ Đại hội lần thứ VIII năm 2018 sắp diễn ra, Thủ đô Hà Nội lại được chọn là địa phương đăng cai ngày hội.
Đại hội Thể thao là cuộc tổng duyệt lớn nhất của Thể thao Việt Nam trên mọi mặt công tác và chuyên môn, từ cấp cơ sở đến toàn quốc, Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 22 đến 29/9/1985. Cho đến nay, Hà Nội đã đăng cai cả 4 kỳ Đại hội đầu tiên (1985 – 1990 – 1995 và 2002). Kỳ Đại hội thứ 5 diễn ra vào năm 2006 diễn ra tại TP.HCM, tiếp đến là tại Đà Nẵng 2010 và gần nhất là năm 2014 tại Nam Định. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 sắp diễn ra vào tháng 11, Hà Nội tiếp tục là địa phương được chọn đăng cai tổ chức và đây sẽ là lần thứ 5 Thủ đô tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất quốc gia này.
Dưới đây là dấu ấn qua các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc
1. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ I – năm 1985
Tiến hành trong hai năm 1984- 1985, Đại hội Thể dục Thể thao các cấp diễn ra ở 11.500 cơ sở của 400 quận huyện thuộc 52 tỉnh, thành và 2 ngành. Sau Đại hội Thể dục Thể thao các cấp, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 22 – 29/9/1985 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 27 đoàn, thi đấu 13 môn: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bóng đá, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng rổ, Cầu lông, Quần vợt, Vật tự do, Cờ Vua, Lặn (3 môn Việt dã Tiền phong, Bơi Vượt sông truyền thống Bạch Đằng và Đua xe đạp xuyên Việt cũng thuộc chương trình Đại hội) với 125 bộ huy chương, có 1.253 VĐV(338 nữ), 225 cán bộ, 190 HLV và 239 trọng tài. Đã có 19 kỷ lục quốc gia được xác lập (Điền kinh -11, Bơi -7, Bắn súng -1).
Kết thúc Đại hội, BTC đã trao 125 bộ huy chương cho các đoàn VĐV. Tại Đại hội lần này đã có 19 kỷ lục quốc gia, trong đó 11 kỷ lục ở môn điền kinh, 7 kỷ lục bơi lội, 1 kỷ lục bắn súng bị phá và được xác lập.
Chung cuộc, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ Nhất với 92 huy chương (43 Huy chương vàng, 39 Huy chương bạc, 20 huy chương đồng). Đoàn Hà Nội xếp thứ Nhì với 74 huy chương (24 HCV, 24 HCB, 36 HCĐ). Giành vị trí thứ ba là đoànQuân đội: 61 huy chương (20 HCV, 21 HCB, 20 HCĐ).
2. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ II – năm 1990
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ II-1990 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 2-9/9/1990 với sự tham gia của 33 đoàn VĐV các tỉnh, thành, ngành với 1.453 VĐV (có 353 nữ) thi đấu 9 môn: điền kinh, bơi lặn, bắn súng, thể dục dụng cụ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, xe đạp.
Ở kỳ Đại hội này, đã có 25 kỷ lục quốc gia mới được xác lập, trong đó 12 kỷ lục ở nội dung điền kinh, 10 kỷ lục ở nội dung bơi lặn, 3 kỷ lục ở nội dung bắn súng.
Kết quả chung cuộc: Tp Hồ Chí Minh nhất toàn đoàn khi giành được 126 huy chương (64 HCV, 39 HCB, 23 HCĐ); Đoàn Hà Nội giành vị trí thứ hai với tổng cộng 107 huy chương (39 HCV, 34 HCB, 34 HCĐ); đứng thứ ba là Đoàn Quân đội với 62 huy chương (21 HCV, 16 HCB, 25 HCĐ).
3. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ III – năm 1995
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III năm 1995 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17-24/9/1995. Đại hội có sự tham dự của 53 tỉnh, thành phố và 3 ngành Quân đội, Công an, Giáo dục và Đào tạo với 3.751 VĐV, thi đấu 11 môn: điền kinh, bơi, lặn, bắn súng, thể dục dụng cụ, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, cờ vua.
Tại kỳ Đại hội này, đã có 42 kỷ lục quốc gia bị phá, trong đó 16 kỷ lục điền kinh, 21 kỷ lục bơi lặn, 5 kỷ lục bắn súng và có 6 kỷ lục quốc gia mới được xác lập ở môn cử tạ.
Kết quả chung cuộc: Ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Tp. Hồ Chí Minh với tổng cộng 193 huy chương (95 HCV, 50 HCB, 48 HCĐ). Nhì là đoàn Hà Nội với 151 huy chương (62 HCV, 43 HCB, 46 HCĐ); vị trí thứ Ba – Đoàn Quân đội: 123 huy chương (33 HCV, 44 HCB, 46 HCĐ). Đoàn Công an xếp thứ 6/56: 42 huy chương (13 HCV, 16 HCV, 13 HCĐ).
4. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IV năm 2002
Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IV được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ 14 – 22/11/2002, sau Đại hội lần thứ 3 hơn 7 năm. Lễ khai mạc tại Sân vận động Hà Nội với quy mô hoành tráng và mang đậm bản sắc dân tộc. Tham gia diễu hành có 2.600 cán bộ, huấn luyện viên và VĐV của 61 tỉnh, thành và 3 ngành (Công an, Quân đội, Giáo dục và Giáo dục Đào tạo). Tham gia đồng diễn và biểu diễn có 1.500 người cao tuổi, 1.000 học sinh phổ thông, 13.000 sinh viên và 600 nghệ sĩ.
Đây là một Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc có quy mô lớn nhất so với 3 Đại hội trước. Đại hội còn là cuộc biểu dương lực lượng của thể dục thể thao Việt Nam sau 16 năm đổi mới. Cùng với đó, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IV, cũng là cuộc tổng duyệt để tiến tới tổ chức và thi đấu SEA Games 22 vào năm 2003 tổ chức ở Việt Nam.
Tại Đại hội, một số công việc sẽ thực hiện khi tổ chức SEA Games 22 đã được thử nghiệm: hệ thống đo đạc thành tích, xử lý thông tin, kết quả thi đấu; kiểm tra doping, lễ khai mạc và một số công việc liên quan tới tổ chức, điều hành một Đại hội Thể thao có tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á.
Tham gia Đại hội toàn quốc lần này có 9.961 người, trong đó có 6.084 VĐV, 1.695 huấn luyện viên, 1.054 trọng tài, gần 500 cán bộ, Ban tổ chức; có 64 đoàn, đua tài trong 33 môn: Điền kinh, Việt dã, Bơi, Lặn, Bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng, Thể dục dụng cụ, Bóng đá, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng chuyền bãi biển, Bóng rổ, Cầu lông, Quần vợt, Bóng ném, Cầu mây, Đá cầu, Vật tự do, Vật cổ điển, Vật dân tộc, Võ cổ truyền, Vovinam, Xe đạp, Cử tạ, Cờ Vua, Judo, Karatedo, Taekwondo, Pencak silat, Thể hình, Aerobic, Canoeing, Đua thuyền truyền thống, Billiards – Snooker với 526 bộ huy chương, trong đó có 6 môn thể thao dân tộc với 65 bộ huy chương.
Tại Đại hội đã có 59 kỷ lục quốc gia được thiết lập (Điền kinh -16, Bơi -15, Lặn -11, Cử tạ – 8, Bắn súng và Bắn cung – 9) và xác lập 1 kỷ lục khu vực Đông Nam Á.
Kết quả chung cuộc: Ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội: 333 huy chương (151 HCV, 86 HCV, 96 HCĐ);
Nhì là đoàn Tp. Hồ Chí Minh: 312 huy chương (122 HCV, 116 HCB, 74 HCĐ). Đứng thứ ba là đoàn Quân đội: 150 huy chương (48 HCV, 35 HCB, 67 HCĐ).
5. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ V năm 2006
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V-2006 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16 -25/9/2006 với sự tham gia của VĐV 63 tỉnh thành và 3 ngành: Quân đội, Công an, Giáo dục và Đào tạo.
Tham gia Đại hội lần này có 7.942 VĐV, trong đó 1.600 huấn luyện viên, 721 cán bộ đoàn và lãnh đội, 1.975 trọng tài, 4.500 nhân viên phục vụ tranh tài ở 55 môn, gồm; Điền kinh, Việt dã leo núi “chinh phục đỉnh cao Bà Rá”, Việt dã Báo tiền phong lần thứ 47, Bơi đường dài truyền thống Bạch Đằng, Cử tạ, Bóng nước, Nhảy cầu, Lặn, Rowing, Canoeing, Thể dục dụng cụ, Sport aerobic, Thể hình, Bắn cung, Bắn nỏ, Bắn súng, Bắn đĩa bay, Đấu kiếm, Wushu, Cờ Tướng, Karatedo, Taekwondo, Judo, Pencak Silat, Vật cổ điển, Vật tự do, Quyền Anh nam, Quyền Anh nữ, Cờ Vua, Cờ vây, Võ cổ truyền, Vovinam, Bơi thuyên truyền thống, Xe đạp, Bóng chuyền, Bóng chuyền bãi biển, Bóng bàn, Cầu lông, Bi sắt, Quần vợt, Cầu mây, Đá cầu, Vật dân tộc, Bóng rổ, Bóng ném, Billiards – Snooker, Quần vợt, Bóng đá nam, Bóng đá nữ, Đẩy gậy, Đua ghe ngo).
Tại Đại hội lần V, đã có 42 kỷ lục quốc gia được phá, gồm 6 kỷ lục điền kinh, 3 kỷ lục bơi, 13 kỷ lục lặn, 4 kỷ lục bắn súng, 11 kỷ lục cử tạ, 1 kỷ lục bắn cung, 4 kỷ lục bắn đĩa bay.
Đặc biệt, ở Đại hội lần này, có 65/66 tỉnh, thành, ngành tham gia Đại hội đã giành được huy chương, trong đó 55 đơn vị có huy chương Vàng; 3 đơn vị chỉ đạt được huy chương Đồng (Kon Tum, Điện Biên, Hậu Giang).
Chung cuộc: Hà Nội nhất toàn đoàn với: 342 huy chương (148 HCV, 112 HCB, 82 HCĐ); Nhì là đoàn Tp. Hồ Chí Minh: 342 huy chương (121 HCV, 92 HCB và 109 HCĐ); Ba là đoàn Quân Đội: 181 huy chương (48 HCV, 60 HCB và 73 HCĐ). Các đoàn xếp thứ 4 đến thứ 10 là: Hải Phòng, Công an Nhân dân, Hà Tây, Thái Nguyên, Hải Dương, Đồng Tháp, An Giang.
6. Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI năm 2010
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010 được tổ chức theo 2 giai đoạn với 60 môn thi.
Giai đoạn 1 từ 1/1 đến 30/11/2010 tại 22 tỉnh, thành phố trong cả nước với 35 môn thi: Việt dã Báo Tiền phong; Việt dã leo núi, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bóng đá nữ, Bóng bàn, Cầu lông đồng đội, Quần vợt, Đá cầu, Bóng ném, Bóng nước, Vật tự do, Vật cổ điển, Vật dân tộc, Võ cổ truyền, Vovinam, Nhảy cầu, Judo, Karatedo, Taekwondo, Wushu, Cờ Tướng, Cờ nhanh và Chớp nhoáng, Cờ vây, Xe đạp, Đấu kiếm, Pencak silat, Cầu mây, Thể hình, Aerobic, Dance sport, Đẩy gậy, Đua ghe ngo, Bắn cung, Bắn đĩa bay, Bi sắt, Golf, Boxing, Đua thuyền truyền thống, Bắn nỏ.
Giai đoạn 2 từ 25/12/2010 đến 5/1/2011 tại Đà Nẵng với 13 môn: Điền kinh, Bơi 50m, Lặn, Bóng đá nam, Bóng chuyền nam, nữ, Bóng chuyền bãi biển, Bóng rổ, Cầu lông cá nhân, Cử tạ, Billiards – Snooker, Canoeing, Rowing.
Tham gia Đại hội gồm 63 tỉnh, thành và 3 ngành: Quân đội, Công an, Giáo dục và Đào tạo, tranh tài 41 môn thi đấu với 903 bộ huy chương.
Chung cuộc: Hà Nội nhất toàn đoàn: 481 huy chương (191 HCV, 150 HCB, 140 HCĐ). Nhì là Đoàn Tp. Hồ Chí Minh: 370 huy chương (127 HCV, 110 HCB và 143 HCĐ). Ba là Đoàn Quân đội: 220 huy chương (68 HCV, 85 HCB và 77 HCĐ). Các đoàn xếp thứ 4 đến thứ 10 là: Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, An Giang, Đồng Tháp, Công an Nhân dân.
7. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, được tổ chức tại 10 địa phương từ ngày 6/12 đến 16/12, trong đó Nam Định là tỉnh đăng cai chính thức. Ở Đại hội lần này có 36 môn thể thao (45 phân môn) tranh tài 747 bộ huy chương. Với sự tham gia của 10.964 cán bộ, HLV, VĐV, trong đó có 7.493 VĐV nam nữ, 1.795 trọng tài, 1.674 cán bộ, HLV của 63 tỉnh, thành và 2 ngành Quân đội, Công an.
Đại hội TDTT lần thứ VII đã thiết lập được 165 kỷ lục Đại hội, 57 kỷ lục quốc gia ở các môn điền kinh, bơi, lặn, cử tạ, bắn súng.
Sau 10 ngày tranh tài, đoàn thể thao Hà Nội đứng thứ nhất chung cuộc với 223 huy chương vàng, 118 huy chương bạc, 137 huy chương đồng, thứ 2 là đoàn TP. Hồ Chí Minh với 150 huy chương vàng (HCV), 103 huy chương bạc (HCB), 104 huy chương đồng (HCĐ), đoàn Quân đội xếp thứ ba với 106 HCV, 54 HCB, 251 HCĐ. Tiếp đến lần lượt là các đoàn Thanh Hóa, Hải Phòng, An Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bộ Công an và Cần Thơ…
Hoàng Vinh
Theo MaskOnline