Chiều 28/2, đã diễn ra cuộc họp về Kế hoạch tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 tại Hà Nội, do đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì.
Theo kế hoạch, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Hòa Bình (đối với môn Xe đạp địa hình) vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2018. Đại hội dự kiến có 36 môn thể thao gồm: Điền kinh, Bơi,Thể dục (Thể dục dụng cụ; Thể dục Aerobic); Đua thuyền (Rowing, Canoeing); Bóng đá (Bóng đá 11 người, Bóng đá Futsal nam); Bắn súng; Bắn cung; Cử tạ; Judo; Taekwondo; Vật; Boxing, kiếm; Cầu lông; Quần vợt; Bóng chuyền; Bóng ném; Bóng rổ; Xe đạp; Bóng; bàn; Karatedo; Golf; Wushu; Pencak Silat; Cờ vua; Cầu mây; Billard Snooker, Khiêu vũ thể thao; Bowling; Thể hình; Muay; Bi sắt; Vovinam; Võ cổ truyền, Đá cầu, Lặn. Lễ khai mạc và bế mạc Đại hội sẽ diễn ra trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Theo Đề án do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng, Hà Nội có 10 địa điểm thuộc Sở Văn hoá và Thể thao và 12 địa điểm thuộc UBND các quận, huyện quản lý sẽ được sử dụng làm nơi thi đấu và tập luyện.
Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII, Hà Nội sẽ tham dự đầy đủ 36/36 môn thể thao với số lượng vận động viên, huấn luyện viên của các môn khoảng 1.000 người. Số lượng trọng tài tham gia công tác điều hành tại Đại hội dự kiến khoảng 300 – 400 người; trong đó trọng tài do Trung ương điều động từ các địa phương khoảng 150 – 200 người. Hiện nay, trọng tài các môn thể thao có đẳng cấp Quốc gia và Quốc tế của Hà Nội khoảng 250 – 400 người. Thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội sẽ kết hợp với Tổng cục TDTT trong việc đào tạo kỹ thuật viên cách thức vận hành các trang thiết bị, kỹ thuật tại các địa điểm tổ chức thi đấu.
Tại cuộc họp, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã báo cáo sơ lược về tình hình triển khai các công việc có liên quan đến quá trình tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Qua khảo sát cho thấy địa điểm thi đấu, cơ sở vật chất, kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ thi đấu… đã và đang hoàn thiện. Thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đang tích cực phối hợp với Ban quản lý dự án các công trình văn hóa xã hội để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp một số địa điểm cần thiết. Dự kiến các công trình sẽ hoàn thành trước tháng 6/2018. Riêng địa điểm tổ chức thi đấu môn Bóng chuyền bãi biển sẽ được khởi công thực hiện vào cuối tháng 05 và bàn giao cho BTC.
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất Tổng cục TDTT sớm ban hành Điều lệ khung và Điều lệ thi đấu của từng môn, địa điểm chính thức tổ chức Lễ Khai mạc và Bế mạc, cũng như lịch thi đấu sơ bộ để từ đó Hà Nội thuận tiện hơn trong công tác chuẩn bị, chỉnh trang đô thị, điều tiết giao thông, công tác hậu cần, an ninh, y tế, tuyên truyền, vận động tài trợ…
Một trong những vấn đề được quan tâm tại cuộc họp là làm rõ trách nhiệm của phía trung ương và Hà Nội trong khâu tổ chức thi đấu. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho hay, Ban tổ chức Đại hội cấp trung ương sẽ lo kinh phí tổ chức thi đấu các môn thi, mua sắm trang thiết bị ở một số môn đặc thù như rowing và canoeing…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cùng các đơn vị đã thống nhất thành viên Ban tổ chức Đại hội là lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý giao Sở Văn hoá và Thể thao hoàn thiện kế hoạch chung, song song với đó, tổng hợp, xây dựng kế hoạch chi tiết (như việc đào tạo vận động viên, chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị thi đấu…). Sở tiến hành đi kiểm tra tiến độ công tác chuẩn bị và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Đặc biệt, triển khai công tác vận động xã hội hoá, tập trung vào các đơn vị thể thao nhằm kêu gọi kịp thời kinh phí phục vụ Đại hội… Về chế độ dinh dưỡng, đầu tư trang thiết bị tập luyện, thi đấu của nhóm vận động viên Hà Nội tham dự Đại hội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cần xây dựng Đề án để kịp đầu tư
Với chuẩn bị của Hà Nội trong công tác tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn đã đánh giá cao những việc mà Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã chủ động triển khai cho đến thời điểm hiện tại. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thành phố Hà Nội trong việc phối hợp cùng với Tổng cục TDTT để tổ chức sự kiện thể thao quan trọng mang tầm cỡ quốc gia. Đặc biệt, Thành phố Hà Nội cùng các Sở, Ban, Ngành trực thuộc cần quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất đến các hoạt động như công tác an ninh, công tác y tế, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, địa điểm lưu trú, ăn nghỉ của các đoàn… trong suốt thời gian Đại hội diễn ra với mục tiêu tổ chức thành công, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, an toàn và chống tiêu cực.
Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức 4 năm/lần là dịp để tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp về ý nghĩa,vai trò, tầm quan trọng của thể dục thể thao; thúc đẩy phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây còn là dịp để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu, qua đó phát triển lực lượng vận động viên, nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm, nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, trọng tài thể dục thể thao.
Nguyên An
Theo Thể thao ngày nay