Văn hóa

Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Ngày 20/5, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và trẻ em Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 01/UBND-BCĐ, triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và trẻ em Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu thập cơ sở dữ liệu về gia đình trong đó có phòng, chông bạo lực gia đình; Thực hiện tổng kết, đánh giá “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề xuất UBND Thành phố Chương trình giai đoạn mới.

Sở LĐ,TB&XH chủ trì tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em thông qua Tổng đài 111. Đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Sở Y tế chủ trì phối họp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở LĐ,TB&XH hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho học sinh, học viên và sinh viên; đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, ngày 17/7/2017, của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Sở Nội vụ tham mưu UBND Thành phố tuyển dụng, bố trí cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình các cấp và công tác viên về gia đình ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí tăng thời lượng, tần suất truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là các điểm nóng về bạo lực gia đình; biểu dương những tấm gương điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Công an Thành phố xây dựng và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình; nhân rộng Mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình; Nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao giáo dục pháp luật cho người gây bạo lực gia đình.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo địa phương triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình; xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở theo hướng dẫn của cấp trên; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Mô hình Đội phản ứng nhanh và các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình; chỉ đạo báo cáo về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trong nội dung báo cáo kết quả thực hiện kinh tế – xã hội ở địa phương.

Xuân Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *