Di sản

Hà Nội: Đến năm 2025, 100% di tích được số hóa

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 11/10/2024 về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Đây là một bước đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó, Kế hoạch đề ra nhiều nội dung thực hiện quan trọng. Trước tiên, Thành phố sẽ tiến hành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố đã được xếp hạng. Đồng thời, trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội dự kiến thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 dự án di tích lịch sử – văn hóa với tổng kinh phí lên đến 14.029 tỷ đồng.
Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hoá với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước
Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hoá với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng chú trọng việc nâng cấp bảo tàng Hà Nội, bao gồm duy tu hệ thống trưng bày, trang bị mới, và sưu tầm hiện vật quý hiếm. Thành phố sẽ triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có việc rà soát, kiểm kê di tích trên toàn Thành phố.

Một điểm đáng chú ý trong Kế hoạch là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo 100% di tích được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và quảng bá di sản.

Để thực hiện thành công kế hoạch, Hà Nội đề ra nhiều giải pháp. Thành phố sẽ tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức và pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn di sản. Việc thực hiện cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực cũng được đặc biệt chú trọng…

Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã. Các địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di sản do địa phương quản lý và chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong công tác quản lý Nhà nước về di sản. Thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Thủ đô trong và ngoài nước; đặc biệt là các địa phương có di sản đặc trưng, tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô.

Bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng trở thành di sản có chất lượng cao, phục vụ giáo dục truyền thống; góp phần phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương.

Với kế hoạch toàn diện và chi tiết này, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.

Phương Bùi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *