Tin tức - Sự kiện

”Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Bản anh hùng ca vang mãi

Trong cuộc đụng đầu với không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân ta chẳng những không bị khuất phục trước sức mạnh “không thể tưởng tượng nổi” của không lực Hoa Kỳ mà còn làm cho hàng chục “pháo đài B.52” phải phơi xác trên mảnh đất Thăng Long- Hà Nội.

 Cách đây 50 năm, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 18/12/1972, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bước vào cuộc chiến đấu 12 ngày đêm, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội – Hải Phòng.

Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972). Ảnh: TTXVN

Sau những thất bại trong Mậu Thân 1968, Đường 9 – Nam Lào năm 1971; đặc biệt là sau cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân Việt Nam trên chiến trường miền Nam, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã quyết định phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai nhằm tàn phá hậu phương lớn miền Bắc, mà đỉnh cao của nó là mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu chiến lược khác trên miền Bắc.

Để tiến hành cuộc tập kích, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai – hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52, cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại. Trong đó, máy bay ném bom B-52 là phương tiện chủ lực mà quân đội Mỹ sử dụng để tiến hành cuộc tập kích.

Trong sức mạnh quân sự của Mỹ, pháo đài bay B-52 là một loại vũ khí rất hiện đại và có sức công phá rất lớn. Nó được mệnh danh là niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ. Chính vì thế, máy bay B-52 của Mỹ thường được sử dụng vào những trận đánh, những chiến dịch mang tính quyết định, tạo ra những bước ngoặt cho chiến tranh. Một trong số đó chính là cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội – Hải Phòng tháng 12/1972.

Nhận thức được sự nguy hại của B-52, ngay từ năm 1962, khi đế quốc Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp bằng B-52 vào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại vũ khí này”. Đến năm 1965, khi Mỹ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta, Bác đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không – Không quân phải nghiên cứu, đối phó với B-52, vì “sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Chiến sĩ đại đội 3 đoàn X pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô mưu trí, dũng cảm, nổ súng kịp thời, chính xác bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thực hiện nhiệm vụ Bác giao, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh bại máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Và chuẩn bị một lực lượng lớn tham gia chiến dịch, gồm: 6 trung đoàn tên lửa phòng không; 3 trung đoàn không quân tiêm kích; 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ; 356 đơn vị pháo, súng máy cao xạ, toàn mạng ra-đa và các lực lượng phục vụ khác.

Ngày 18/12/1972, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Nixon mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng, ra-đa của ta phát hiện máy bay B-52 của địch bay vào vùng trời miền Bắc.

Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc. Chính quyền Mỹ cho rằng, loại vũ khí chiến lược như “siêu pháo đài bay” B-52, có thể ép được chúng ta ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.

Nhưng trái lại, trước sự tấn công vô cùng man rợ của kẻ thù, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng chiến đấu. Ngay từ trận đầu ra quân, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B-52, mở màn cho những thắng lợi vang dội sau đó.

Trong 12 ngày đêm, quân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52; bắt sống 43 giặc lái. Đây là tổn thất lớn chưa từng thấy ở những trận tập kích đường không lớn của quân đội Mỹ. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã hoàn toàn bị đánh bại.

Chính vì sự tổn thất quá lớn của đế quốc Mỹ và chiến thắng vang dội của Việt Nam mà thắng lợi này của Việt Nam được thế giới ca ngợi là trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Chiến thắng của quân và dân ta đối với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12/1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Thất bại trên bầu trời Hà Nội, đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 27/1/1973 ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20h13 ngày 18/12/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là bản anh hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX, mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân, là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trải qua tròn 5 thập kỷ, Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn luôn là một biểu tượng chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Thời gian đã lùi xa, song chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị, đồng thời để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc chúng ta hôm nay và mai sau.

Minh Đạt (T/hợp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *