Thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố và Quyết định của UBND Thành phố, ngày 14/3, tại ngã tư giao cắt đường Trần Hữu Dực và đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, UBND quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ gắn biển tên phố Trịnh Văn Bô và Hoàng Trọng Mậu.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt nhấn mạnh việc gắn tên phố mang tên hai danh nhân Chí sĩ – Liệt sĩ Hoàng Trọng Mậu và Doanh nhân Trịnh Văn Bô là hoạt động hết sức có ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 05 năm ngày thành lập quận Nam Từ Liêm (01/4/2014-01/4/2019). Để làm tốt công tác quản lý đô thị sau khi gắn biển tên phố, ông Trần Đức Hoạt đề nghị các phòng, ban chuyên môn thực hiện triển khai đánh số nhà, quản lý dân cư. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các phường, các trường học tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, học sinh về ý nghĩa của việc đặt tên đường, phố mới trên địa bàn, đồng thời, phát động phong trào giữ gìn vệ sinh xanh sạch đẹp, văn minh đô thị nhằm phát huy giá trị thân thế, sự nghiệp của các danh nhân.
Tại buổi gắn biển tên phố, đại diện hai gia đình cụ Hoàng Trọng Mậu và Trịnh Văn Bô đã bày tỏ cảm ơn sâu sắc Đảng bộ, chính quyền Thành phố và quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận công lao, sự đóng góp của hai danh nhân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới ngày hôm nay, con cháu hai cụ nguyện noi gương cha ông, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, nhân sự kiện này, gia đình cụ Trịnh Văn Bô cũng giới thiệu về Quỹ học bổng mang tên Trịnh Văn Bô để hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn, đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.
Phố Trịnh Văn Bô có tổng chiều dài khoảng 1 km, rộng 50 m với 8 làn xe cơ giới. Con phố nằm giữa nút giao giữa phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
Phố Hoàng Trọng Mậu nằm trong Khu đô thị mới Sông Đà – Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1 có điểm đầu nối với đường Mễ Trì, phía cuối giáp đường Trần Văn Lai, trường Tiểu học – THCS Mỹ Đình 1.
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ XX. Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, ông ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng. Số vàng này gấp đôi ngân khố Chính phủ thời bấy giờ. Gia đình ông Trịnh Văn Bô sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng ông dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của vợ chồng ông cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Gia đình ông cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Ông Hoàng Trọng Mậu (1874 – 1916) là liệt sĩ, nhà chí sĩ yêu nước. Ông tên thật là Nguyễn Đức Công, quê ở tỉnh Nghệ An. Ông tham gia các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp như phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục Hội. Tháng 5 năm 1915, ông bị địch bắt tại Hương Cảng, rồi bị giam tại Hỏa Lò, đến năm 1916 ông bị địch xử bắn.
PV
Theo MaskOnline