Được sự thống nhất về mặt chủ trương của lãnh đạo UBND thành phố, Hà Nội sẽ lần thứ 5 là chủ nhà của ngày hội thể thao lớn nhất quốc gia – Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018
Là cuộc tổng duyệt lớn nhất của Thể thao Việt Nam trên mọi mặt công tác và chuyên môn, từ cấp cơ sở đến toàn quốc, Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 22 đến 29/9/1985. Cho đến nay, Hà Nội đã đăng cai cả 4 kỳ Đại hội đầu tiên (1985 – 1990 – 1995 và 2002), kỳ Đại hội thứ 5 diễn ra vào năm 2006 tại TP.HCM, tiếp đến là tại Đà Nẵng 2010 và gần nhất là năm 2014 tại Nam Định.
Theo kế hoạch ban đầu, An Giang là địa phương đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, song qua các đợt kiểm tra khảo sát về điều kiện cơ sở vật chất cũng như các điều kiện liên quan khác, Tổng cục TDTT nhận thấy nếu tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc tại đây thì An Giang sẽ phải tu sửa và xây mới một số hạng mục công trình thể thao, cũng như đầu tư mua sắm mới một số trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu cho các VĐV. Điều này, sẽ không phù hợp trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, cũng như trước những yêu cầu của Chính phủ cần hạn chế xây mới các công trình TDTT từ nguồn ngân sách nhà nước, cũng như tiết kiệm nhất kinh phí tổ chức sự kiện này.
Do đó, Hà Nội đang là địa phương đảm bảo đầy đủ nhất các yếu tố đăng cai tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII. Cùng với đó, Hà Nội cũng là địa phương theo kế hoạch sẽ là địa điểm đăng cai chính SEA Games 31 năm 2021 nên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tổ chức và chuyên môn.
Trên cơ sở đó, sau cuộc họp nghe Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất đăng cai tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, tập thể lãnh đạo UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đăng cai tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan tổng rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất công trình, trang thiết bị thể thao và nhân lực hiện có, xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức đại hội theo Đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tối đa các môn trong 31 môn thi đấu.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Du lịch trong khâu tổ chức, gắn với hoạt động du lịch theo Nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của UBND thành phố; huy động tối đa các nguồn từ xã hội hóa, tài trợ từ hoạt động quảng cáo và của các hãng thể thao để đầu tư cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các môn thi đấu và tổ chức đại hội; trên cơ sở nguồn xã hội hóa, tài trợ, đề xuất UBND thành phố bố trí ngân sách tổ chức đại hội bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố dự thảo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Thành ủy, tổ chức mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao họp thống nhất với UBND thành phố trong tháng 8/2016; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2016.
UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Văn phòng UBND thành phố được giao đôn đốc, theo dõi, báo cáo UBND thành phố việc thực hiện nội dung kết luận, chỉ đạo trên của tập thể UBND thành phố.
Qua 7 lần tổ chức, Đại hội TDTT toàn quốc cũng chính là thước đo cho sự phát triển vượt bậc của Thể thao Hà Nội. Sau 3 kỳ đầu tiên trên sân nhà chỉ đứng ở vị trí thứ hai (sau TP.HCM), tới Đại hội lần thứ 4 năm 2002, bước chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 mà Việt Nam là chủ nhà, bằng cách làm bài bản, chuyên nghiệp mang tính đột phá, Hà Nội đã vươn lên vị trí dẫn đầu và duy trì vị thế số 1 quốc gia kể từ đó tới Đại hội lần thứ 7 vừa qua.
Ngọc Dũng
Theo Thể thao ngày nay