Tin ngành

Hà Nội: Lễ hội làng Khê Thượng

​Khê Thượng là một ngôi làng cổ nằm ven sông Đà. Vào những ngày đầu năm làng  mở hội thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử Việt Nam.Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Nhưng thực tế bắt đầu từ 30 tết.

Nghi thức đầu tiên được tiến hành vào tối 30 Tết với ý nghĩa tiễn đưa Đức Thánh Tản Viên qua sông Đà về núi Nghĩa Lĩnh để lễ tết bố vợ của Ngài. Vào hôm đó, các chức sắc, bô lão ban Khánh tiết, người đăng cai đều phải mặc quần áo như trong ngày chính hội với mũ mão, quần áo tế lễ. Người ta tiến hành tế lễ ở đình theo nghi thức, rồi tất cả cùng dân làng ra bến đò làng Khê Thượng. Đó là lễ đưa tiễn Đức Thánh Tản qua bến sông. Tối 30 Tết, sau khi lễ tại đình, các chức sắc, bô lão, những người trong bàn Tế cùng dân làng, tề tựu tại bến đò. Lễ tiễn bắt đầu, người lái đò (mặc quần áo màu đỏ) lặng lẽ bước xuống đò sẵn ở đó và chèo chiếc đò không từ bến làng Khê Thượng sang bến đò Bộ thuộc xã Thạch Đồng, huyện Tam Thanh, Vĩnh Phúc. Mọi người đều hiểu rằng Đức Thánh đã lên đò để qua sông và Đức Thánh Tản không đi một mình mà có rất nhiều quân hộ tống. Do đó người lái đò phải chèo đi chèo lại ba lần qua sông, đó còn gọi là trò Rước Chúa Trai. Sau đó dân làng trở về nhà chuẩn bị Tết và đón Giao thừa với tâm trạng vui mừng phấn khởi hy vọng một năm mới sắp tới có nhiều may mắn và thành quả.

Chiều ngày mồng 2 người làng đã chuẩn bị kiệu, cờ trống, hương án bên bờ sông Đà để bái vong Ngài ở núi Nghĩa Lĩnh để rước Ngài về.  

Sang  sáng mùng 3 Tết cả làng sẽ mở hội tưng bừng với nhiều trò chơi nhộn nhịp ở sân đình như:chọi gà, đấu vật, chơi cờ, tổ tôm và còn có hát chèo, cùng các trò chơi, cuộc đua khác.Trò đấu vật là trò đặc biệt được chú ý đến, họ gọi là đấu vật thờ Thánh, nhằm khuyến khích tinh thần thượng võ của nhân dân, đồng thời nhắc lại sự kiện chiến thắng của Sơn Tinh với Thuỷ Tinh nhờ sức lực và lòng dũng cảm.

Tinh thần thượng võ của làng Khê Thượng còn được thể hiện ở tục "Chém may". Tục "Chém may" là tục lệ độc đáo của làng diễn ra ngày mồng 7 tết.  Dân làng sẽ chọn ra những chàng trai khoẻ mạnh, không tang chế và điều tiếng gì trong năm. Người được chọn phải tự tập luyện một mình các thế múa dao để biểu diễn cho thuần thục. Nếu không tốt sẽ cảm thấy có lỗi trước thánh và gia đình. Sáng mồng 7 các chàng trai cởi trần, đóng khố đỏ, chất khăn đỏ, tay trái cầm chiếc thuyền giấy cũng màu đỏ, tay phải cầm dao. Con dao bị mài sắc theo quy định cổ truyền bằng 9 lần chiều ngang của bàn tay người lớn. Các chàng trai vào lễ thánh ở trong đình bước ra tề tựu ở ngoài sân trong sự hồi hộp, náo nức của dân làng. Tại đó họ dựng một hàng cây chuối to đứng thẳng đều nhau, cách chừng vài mét đủ tầm múa lượn của các chàng trai khi chém. Tiếng trống nổi lên, các chàng trai từ từ biểu diễn các điệu múa rồi nhanh dần, nhanh dần theo nhịp trống. Đến khi tiếng trống thúc đổ dồn thì các đường dao cũng xoáy tít và các chàng trai tiến dần đến chỗ những cây chuối. Nhanh như chớp nhảy lên, người ta chỉ nhìn thấy vệt dao loang loáng và lướt ngang thân cây chuối thấy nó đổ gục mà đoạn dưới vẫn đứng nguyên như không ai động đến. Tiếng reo hò cổ vũ vang dậy, đường chém ngọt, chuối đứt ngay báo hiệu điều lành. Bởi vì tài chém như vậy các quân thuỷ quái của Thủy Tinh sẽ sợ mà từ bỏ ý định phá hoại, quấy dân làng. Người ta vui mừng, hồ bởi vào lễ tạ trong đình và ra về với niềm phấn khích của một năm mới đầy hy vọng, bởi "vạn sự khởi đầu nan" đã rất tốt đẹp. Mọi người chúc tụng nhau, cùng vui chơi nốt ngày hội với hy vọng ngày mai tốt đẹp.

Hội làng Khê Thượng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, thể hiện sức mạnh của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước chống lại thiên tai, bão lũ; đồng thời, thể hiện tinh thản thượng võ và hướng về cội nguồn của dân làng Khê Thượng.Đầu xuân mời bạn đến với làng Khê Thượng hòa mình vào lễ tục  náo nhiệt có từ thuở khai sơ, nơi 18 thời vua Hùng dựng xây nên đất Việt lớn mạnh ngày nay.​

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *