Lễ hội

Hà Nội: Lễ hội Võng La

​Lễ hội Võng La tổ chức từ ngày 13 đến 15/1 âm lịch hàng năm, tại Đình Đại Độ, làng Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh.

 

Lễ hội nhằm suy tôn Ngũ vị Tôn Thần: Quốc Công Đại Vương và Lã Nương Phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn (Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục (Đệ Tam Linh Tố Đại Vương). 

Theo truyền thuyết và thần phả ở đình, vào thời Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương), ông Quốc Tế cùng vợ là bà Phùng Thị Loan (Lã Nương) làm nhiệm vụ trông coi kho bạc và lương thực ở xã Võng La. Hai vợ chồng đã tuổi xế chiều mà vẫn chưa có con. Một đêm, bà Lã Nương nằm mơ thấy có 3 con rắn trắng bò từ sông lên người. Sau đó, bà mang thai, đúng 9 tháng 10 ngày sau sinh ra ba người con trai và đặt tên là Linh Khổn, Minh Chiêu, Cung Mục. Ba người con trai lớn lên thông minh tài trí, văn võ và sức khỏe hơn người.

Được tin quân Thục Phán dẫn 100 vạn quân tinh nhuệ chia làm 8 mũi tấn công đất nước, Hùng Duệ Vương đã triệu tập các quan đại thần vào bàn kế sách đánh giặc. Được sự tiến cử của Tả Viên Sơn Thần, ba anh em Linh Khổn, Minh Chiêu, Cung Mục được vua phong làm tướng quân chỉ huy 2 đường tiến công là đường bộ và đường thủy để đánh quân Thục. Nhờ tài trí hơn người, chỉ trong một thời gian ngắn, ba anh em đã đánh bại quân Thục Phán. Trên đường trở về diện kiến vua, ba anh em không bệnh mà mất. Nhà vua vô cùng thương tiếc, truyền chiếu chỉ lệnh cho dân làng lập đền thờ phụng và tôn ba anh em làm Thành Hoàng làng, đồng thời sắc phong cho ba anh em là Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương, Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương, Đệ Tam Linh Tố Đại Vương, cùng thân phụ là Quốc Công Đại Vương và thân mẫu là Lã Nương Phu Nhân Đại Vương.

Hàng năm, xã Võng La có hai kỳ hội. Hội tháng Giêng âm lịch (hội chính) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 để tưởng niệm ngày hóa của ba vị Đại Vương. Hội tháng Tám âm lịch diễn ra vào ngày 15 để tưởng niệm ngày sinh cũng là ngày hóa của phụ thân và phụ mẫu ba vị Đại Vương.

Diễn biến hội chính

Ngày 13/1: Buổi sáng, các cụ ông trong đội tế lễ mặc trang phục truyền thống làm lễ bao sái, mộc dục tượng, đồ thờ cúng và lễ tế mở cửa đình. Buổi chiều, đội tế nam tiến hành lễ tế nhập tịch, đội tế nữ làm lễ dâng hương tế Thánh. 

Ngày 14/1 (Chính hội): Lễ rước kiệu được tổ chức từ sáng sớm. Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử, kế tiếp là phường bát âm, đội mang cờ, đồ bát bảo, đội khiêng kiệu, đội tế nam, đội tế nữ, đội lễ và dân làng. Những người khiêng kiệu đều là thanh niên khỏe mạnh, đạo đức tốt, chưa có gia đình.

Kiệu Ông (kiệu Long Đình) và kiệu của ba vị Đại Vương do các chàng trai khiêng, kiệu Đức Bà (kiệu Bát Cống) do các cô gái khiêng. Kiệu được rước từ đình đi xung quanh xã Võng La rồi sau đó quay trở lại đình. Khi kiệu yên vị tại sân đình, đội tế nam tiến hành lễ tế Thánh.

Buổi chiều, đội tế nam và đội dâng hương nữ của các thôn, xã lân cận làm lễ tế Thánh. Tối đến, chương trình giao lưu văn nghệ của xã Võng La với các xã khác được tổ chức.

Ngày 15/1: Buổi sáng, đội tế nữ trong trang phục truyền thống làm lễ dâng hương tế Thánh. Buổi chiều, đội tế nam làm lễ tế giã hội và phát lộc Thánh.

Trong những ngày lễ hội diễn ra rất nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa như: múa sư tử, múa sênh tiền, hát quan họ, hát chèo, hát văn, cuộc thi cờ tướng, chọi gà, đu tre, đá bóng, bóng chuyền …

Theo Vietnamtourism

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *