Nhờ triển khai bài bản, khoa học các giải pháp, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, Hà Nội sẽ không thu phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố theo phương thức trực tuyến, nhằm khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến, từ đó thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Tương tự, bà Vũ Thị Kim (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) ghi nhận: Giữa tháng 7/2023, tôi có thực hiện thủ tục hành chính tại phường. Công việc rất thuận lợi, công chức phường cũng rất niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn.
Cán bộ công chức hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận một cửa quận Tây Hồ. (Ảnh: Nguyễn Thái) |
Đó là cảm nhận chung của người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cơ quan hành chính ở Hà Nội.
Không chỉ niêm yết số điện thoại, email tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân về quy định hành chính, các đơn vị còn lựa chọn những công chức có kinh nghiệm, thái độ hòa nhã làm việc tại Bộ phận một cửa… Nhờ vậy, kết quả thực hiện chỉ đạo của Thành phố về công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, hiện nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính đã được các đơn vị quan tâm thực hiện theo quy định. Một số đơn vị có Bộ phận một cửa khang trang, hiện đại, sạch đẹp, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa,…
Đáng chú ý, đầu tháng 7/2023, Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND thành phố Hà Nội.
Theo đó, các dịch vụ công được áp dụng mức thu phí, lệ phí bằng không khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến gồm các dịch vụ được quy định trong 3 Nghị quyết trước đó của HĐND thành phố Hà Nội (đó là: Nghị quyết 06 ngày 7/7/2020, Nghị quyết 12 ngày 8/12/2021, Nghị quyết 02 ngày 6/7/2022).
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND thành phố Hà Nội |
Thống kê của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, hiện toàn Thành phố cung cấp 1.867 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 492 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.492 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được miễn phí, lệ phí sử dụng khi thực hiện theo phương thức trực tuyến gồm 82 dịch vụ thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố. Cụ thể như các dịch vụ: Cấp phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép); cấp phép xây dựng mới với các công trình khác; gia hạn giấy phép xây dựng; cấp mới đăng ký kinh doanh; chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh hoặc bản trích lục nội dung đăng ký kinh doanh; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Thời gian áp dụng quy định miễn phí, lệ phí khi người dân, tổ chức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 12/2025.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến. Sau khi Thành phố được chọn làm điểm trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thành ủy đã bổ sung Nghị quyết 18 ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ phận một cửa quận Hoàng Mai khang trang, hiện đại. (Ảnh: Mai Hoàng) |
Hà Nội đặt mục tiêu đi đầu về xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng, 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, được triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại. Để đạt mục tiêu này, Thành phố xác định việc tuyên truyền, khuyến khích, động viên người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến là việc cần thiết, cấp bách.
Cùng với đó, các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ dần được cải thiện, nâng cấp để công dân có thể thực hiện dễ dàng và thuận tiện các thủ tục hành chính trên mạng Internet mà không phải đến giao dịch trực tiếp; công dân có thể theo dõi tình trạng hồ sơ trên cổng dịch vụ công, qua tin nhắn điện thoại, email.
Theo đại diện Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, nhằm tạo thuận tiện cho người dân trong giao dịch trực tuyến, trong đó có việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Đến nay, toàn Thành phố đã cấp được hơn 10.000 chữ ký số cá nhân cho người dân Hà Nội. Hà Nội cũng là 1 trong những địa phương đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Theo LĐTĐ