Phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng luôn được chính quyền các quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội quan tâm, chú trọng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân, hoạt động này còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở của người dân Thủ đô.
Cùng với đó, thành phố còn tích cực triển khai hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các CLB sáng tác văn học nghệ thuật địa phương tham gia hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác do Thành phố phát động; triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa các CLB hằng năm gồm: nhóm CLB ca múa nhạc, nhóm CLB văn học, nhóm CLB văn hóa – nghề nghiệp; tổ chức thành công một số cuộc thi văn hóa, nghệ thuật quần chúng…
Một tiết mục biểu diễn tại lễ tổng kết lớp học hát chèo tàu khóa 8 tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. |
Đơn cử như tại địa bàn quận Tây Hồ, có 29 CLB văn hóa văn nghệ, trong đó 8/8 phường đều có CLB thơ, văn nghệ, ca trù… Nhiều địa bàn dân cư đã thành lập các đội văn nghệ riêng. Các CLB văn hóa văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, tiêu biểu như: CLB Thơ Tây Hồ, CLB Dân ca Tây Hồ và các CLB thơ, văn của người cao tuổi.
Hay như tại huyện Sơn Tây, hoạt động của các CLB văn học nghệ thuật ngày càng phát triển. Hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 4 CLB thơ hoạt động thường xuyên với tổng số hơn 300 hội viên. Ngoài ra, còn có các CLB Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học nghệ thuật, Khiêu vũ…
Còn tại huyện Đông Anh đã thành lập được 1172 CLB văn hóa, thể dục thể thao Trung bình hằng năm có 178 buổi văn nghệ quần chúng được tổ chức tại các thôn, tổ dân phố, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa… Các hoạt động hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ cũng liên tục được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, sôi nổi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại cơ sở cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn. Từ thực tế hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó bí thư Thường trực quận ủy Tây Hồ cũng đã chỉ rõ một số những khó khăn, đó là: Nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, ở một số nơi hoạt động văn nghệ quần chúng còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân; thiếu các hạt nhân văn hóa, văn nghệ; cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn.
Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng trăn trở: “Số lượng những tác phẩm văn học nghệ thuật và giải trí nghệ thuật phát triển nhưng chất lượng chưa cao; nhiều tác phẩm chưa phục vụ được nhiệm vụ chính trị của địa phương. Một số CLB nghệ thuật hoạt động chất lượng chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến và phát triển văn học nghệ thuật để quảng bá hình ảnh của thị xã có mặt còn hạn chế…”
Để nâng cao chất lượng phong trào nghệ thuật quần chúng của Thủ đô, tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 -NQ/TW do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều tham luận của đại diện các quận huyện đã đưa ra các giải pháp. Trong đó nêu rõ: cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương; đầu tư nguồn kinh phí thích đáng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ có cơ chế khuyến khích, quan tâm phát triển văn hóa, văn nghệ quần chúng; khuyến khích, động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ cơ sở; phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân, khuyến khích quần chúng tham gia hưởng ứng; đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống…
Nếu các giải pháp này được thực hiện, chắc chắn phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn Thủ đô sẽ không ngừng được đẩy mạnh, góp phần hiệu quả vào việc triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025.
Đặng Thủy
Hà Nội: Nâng cao đời sống văn hóa cơ sở qua phong trào nghệ thuật (qdnd.vn)