Gia đình

Hà Nội:Những kết quả bước đầu trong công tác Gia đình

Công tác gia đình đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, đoàn thể và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, phối hợp tổ chức thực hiện.

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/5/2012. Thực hiện Chiến lược của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 09/10/2013 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội về hành động thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và  tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”.  Dưới đây là những kết quả bước đầu của Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch và đề án này.

Với chiến lược phát triển gia đình Việt Nam
Ngay sau khi  Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 09/10/2013 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội về hành động thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”  được ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã tăng cường việc tuyên truyền về công tác gia đình từ thành phố tới cơ sở, triển khai đồng bộ,  thường xuyên với nhiều hình thức phong phú như: phát thanh, truyền thanh, pano, áp phích, diễu hành cổ động, phát tờ rơi, tập huấn, hội thi, hội diễn, hội thảo…  Sở đã định hướng nội dung tuyên truyền tập trung sâu về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, các chủ trương, đường lối của Đảng, và chính sách pháp luật của nhà nước về công tác gia đình. Đồng thời đưa các gương đơn vị, hộ gia đình, cá nhân điển hình tiên tiến… nhằm tăng cường nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, giúp mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Nhiều năm qua, mỗi năm Hà Nội đều tổ chức được nhiều lớp tập huấn cấp thành phố cũng như cấp cơ sở về công tác gia đình cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ văn hóa – xã hội các xã, phường thị trấn và cấp thôn, làng trên địa bàn thành phố.  Công tác thu thập các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cũng được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai hàng năm trên địa bàn toàn thành phố, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực gia đình.
Với công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng luôn được thành phố Hà Nội  quan tâm. Hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 200 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình và hệ thống câu lạc bộ này được chú ý phát triển và duy trì hoạt động đều đặn với nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những kiến thức cần thiết về đối nhân xử thế trong quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái và các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế…  Việc nhân rộng các mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình được quận, huyện, thị xã của Hà Nội tiếp tục quan tâm triển khai. Ngoài việc bố trí kinh phí hỗ trợ, Sở còn chỉ đạo tổ chức các hội nghị tọa đàm, tư vấn kinh nghiệm làm kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm sóc sức khỏe… đến các các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Sau nhiều năm hoạt động, nhiều câu lạc bộ đã thực hiện tốt vai trò của mình, thực sự là nơi cung cấp kiến thức, pháp luật đến đông đảo người dân, tham gia tích cực vào việc thay đổi nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Điển hình như: huyện Sóc Sơn, quận Hà Đông, huyện Gia Lâm, huyện Thạch Thất… là những nơi có các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động đều đặn và hiệu quả.
Đối với việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra đến năm 2015 như: hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; nam, nữ, thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu; tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con cháu là trai hay gái; hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà; chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ… của Hà Nội đều thu được kết quả tốt.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai khá hiệu quả việc lồng ghép nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch hành động phát triển gia đình vào các tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa, tổ chức tuyên dương, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp. Điều đó được thể hiện qua những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa của thành phố trong ba năm gần đây. Nếu như năm 2012, Hà Nội có tổng số 1.316.040/ tổng số 1.566.714 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, tương đương với tỷ lệ đạt 84%. Đến 2013 thì con số gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa của toàn thành phố là 1.316.053/1.566.730 (tổng số hộ trên toàn thành phố) giữ vững mục tiêu đạt 84%. Và con số của năm 2014 đã tăng lên 1.392.489/1.642.272 tăng lên 84.8% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa.

Anh minh hoa 5

 Kết quả thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch và triển khai tới quận, huyện, thị xã về việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống. Sở đã chọn phường Việt Hưng, quận Long Biên là đơn vị thực hiện điểm để tuyên truyền, kết quả trong năm 2010, đơn vị đã viết được 48 tin bài thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường và tuyên truyền thông qua 120 buổi sinh hoạt của 12 tổ dân phố trên địa bàn.  Cũng trong năm 2010, Sở đã tổ chức cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Thủ đô, triển khai tới các quận, huyện, thị xã, đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Với một giải nhất, 5 giải nhì, 7 giải ba và giải khuyến khích đã  trao cho các đơn vị tham gia, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 cuộc tọa đàm, hội thảo  vào tháng 9/2010 tại 3 khu vực trên địa bàn thành phố về ảnh hưởng của lối sống đến gia đình và xã hội nhằm đánh giá thực trạng tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên nói riêng và của tuổi trẻ nói chung hiện nay. Với các nội dung đặt ra như: Ảnh hưởng đến gia đình và xã hội như thế nào? Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thủ đô?  Thông qua các cuộc tọa đàm và hội thảo này, Ban tổ chức đã phần nào xác định nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến lối sống của học sinh, sinh viên tác động đến gia đình và xã hội để đề xuất các giải pháp giữ gìn truyền thống gia đình, bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn  phối hợp với Viện Gia đình & Giới tiến hành điều tra về mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn nhằm thống kê và đánh giá một cách khoa học về thực trạng giáo dục đạo đức trong gia đình và nhà trường cũng như  mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh trên địa bàn. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về gia đình nói chung và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên cơ sở phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng 04 phóng sự tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.  Xây dựng bộ phim tài liệu tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn thành phố, tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò của các tổ chức, lực lượng xã hội, các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc được truyền tải thông qua các thông điệp truyền thông; Tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình, thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức lối sống, cách ứng xử trong gia đình; Xây dựng gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thông qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Gia dinh HP

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn tổ chức cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Gia đình Hà Nội” và đợt truyền thông cổ động về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Các thông điệp được truyền thông như: Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại; Gia đình là môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; Gia đình là nơi bảo tồn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình hạnh phúc; Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; Bạo lực với thành viên trong gia đình là vi phạm pháp luật…
Sở cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội biên soạn, in ấn, phát hành 35,000 tờ rơi tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thủ đô tự Tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn chủ trương đưa các hoạt động triển khai đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống được vào trong các kế hoạch hàng năm của các đoàn thể cơ sở và kế hoạch phát triển văn hóa – xã hội hàng năm của các cấp, các ngành. Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, lối sống được lồng ghép với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là trong công tác xây dựng gia đình văn hóa,…
Tính đến nay, qua gần 2 năm triển khai Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 09/10/2013 của UBND thành phố về hành động thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội thì điều nhận thấy rõ nhất là:
Công tác gia đình đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, đoàn thể  và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, phối hợp tổ chức thực hiện. Tuy nhiên trong đầu tư nguồn lực cả thành phố và cơ sở nguồn đầu tư cho công tác gia đình còn ở mức thấp, thiếu kinh phí hỗ trợ cho việc điều tra thu thập số liệu, thiếu kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn Thành phố Hà Nội  đã và đang dần tạo ra những tiền đề quan trọng cần thiết cho sự phát triển gia đình trong bối cảnh hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những chuyển biến trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về gia đình  và thay đổi thái độ, hành vi xây dựng gia đình phát triển bền vững của người dân đã đạt được những kết quả khả quan.
Năng lực phát triển kinh tế của gia đình, khả năng ứng phó với thiên tai, điều kiện về việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi được nâng cao, đặc biệt là đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo và cận nghèo được Thành phố cũng như xã hội quan tâm.
Những năm gần đây, cùng với những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn, bất trắc cũng đang gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội như: lối sống hưởng thụ, thực dụng ích kỷ, đề cao sự phát triển cá nhân của một bộ phận nhất là giới trẻ đang nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình, phá vỡ đi cấu trúc gia đình truyền thống, gây thiếu bền vững cho gia đình hiện tại.
Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình còn nhiều hạn chế. Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, dân số Hà Nội đông nhưng định cư phân tán, trình độ dân trí không đồng đều. Công tác thống kê các chỉ số về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trở lên phức tạp, nhiều số ảo do các nguyên nhân: tách sổ hộ khẩu xin cấp đất ở, làm hợp đồng điện…
Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình của Ngành văn hóa,  Thể thao Thủ đô còn  rất mỏng. Đối với cấp huyện, cấp xã hiện tại chỉ có 01 đồng chí công chức trong khi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc của ngành. Nhiệm vụ tập trung chủ yếu vẫn là xây dựng các danh hiệu văn hóa, chưa chuyên nghiệp công tác quản lý nhà nước về gia đình.
Kinh phí dành cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp xã, thị trấn còn hạn hẹp (chủ yếu tập trung chi cho hội họp) không đủ chi cho đội ngũ cộng tác viên vào các kỳ điều tra, thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương.

Phương hướng trong giai đoạn 2016-2020.
–    Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình. Đưa công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội hàng năm; thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá tình hình về gia đình tại địa phương, nhằm giải quyết kịp thời khó khăn về gia đình và công tác gia đình.
–    Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các gia đình, thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình.
–     Kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác gia đình trên địa bàn thành phố; tham mưu, đề xuất, kiến nghị bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình ở cấp huyện và cấp xã nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình.
–    Định kỳ triển khai thu thập, bổ sung các chỉ số cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư số 23/2011/TT-BVHTTDL của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả trong công tác tham mưu hoạch định chính sách về gia đình.
–    Tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
–     Nhân rộng các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình hoạt động có hiệu quả. Phê phán các hành vi, vi phạm chính sách gia đình, biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong cuộc sống gia đình. Chú trọng ngăn ngừa các thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình.
–     Gắn việc thực hiện tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với việc tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
–    Đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; phát huy tính chủ động và trách nhiệm tham gia của từng ngành, lĩnh vực đối với việc thực hiện công tác gia đình; việc hỗ trợ, xây dựng, phát triển gia đình, việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, đoàn thể, địa phương; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các dòng họ, cá nhân vào việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho các gia đình nâng cao nhận thức và có thêm cơ hội, điều kiện tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu, đặc điểm của địa phương và quy định của pháp luật.
–     Đẩy mạnh, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, các ứng xử tốt đẹp trong gia đình; về vai trò của tổ chức, lực lượng xã hội, của gia đình, các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc.

Nhật Linh

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *