Tin tức - Sự kiện

Hà Nội, những ngày máu lửa

 “Sống chết với Thủ đô”, “Hà Nội, Stalingrat của Việt Nam” – những khẩu hiệu do chiến sĩ ta tự tay viết lên  vách chiến lũy, vách tường là tinh thần và sức mạnh của người Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu giữa lòng Thăng Long văn hiến… Kẻ gieo gió và người […]

 “Sống chết với Thủ đô”, “Hà Nội, Stalingrat của Việt Nam” – những khẩu hiệu do chiến sĩ ta tự tay viết lên  vách chiến lũy, vách tường là tinh thần và sức mạnh của người Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu giữa lòng Thăng Long văn hiến…

Kẻ gieo gió và người chuẩn bị bão

Ngày 2/3/1946, sau Tổng tuyển cử thắng lợi, Quốc hội họp lần thứ nhất và Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đứng đầu được thành lập. Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ với Pháp. Ta chủ trương hòa để tiến. Pháp muốn lấy ngoại giao mở đường cho quân sự. Ta kiên trì củng cố lực lượng để đề phòng bất trắc. Pháp triển khai 15.000 quân trên khắp miền Bắc. Ngày 18/3/1946, 1.200 quân Pháp vào Hà Nội, đóng ở những vị trí được phép. Bọn thực dân hy vọng một “màn đảo chính” nhanh chóng diễn ra ở Hà Nội. Từ đó, quân Pháp liên tiếp vi phạm Hiệp định sơ bộ, chiếm đóng thêm nhiều địa điểm, bí mật lập các ổ tác chiến. Kiều dân Pháp được phát vũ khí. Lính Pháp tăng cường khiêu khích xung quanh nơi chiếm đóng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Am, tự vệ chiến đấu của ta đang làm nhiệm vụ bị Pháp vô cớ bắn chết vào ngày 24/7/1946. Ngày 3/8, Pháp gây xung đột ở Bắc Ninh. Tối 6/8/1946, nhiều người đi trên hè phố Hà Nội bị Pháp vô cớ bắn chết. Quân Pháp bắn vào vọng gác Vệ quốc đoàn, ném lựu đạn vào lòng đường…

Ngày 14/9/1946, tạm ước giữa ta và Pháp được ký chưa ráo mực, Pháp đã vi phạm. Trước tình hình này ngày 19/10/1946, Trung ương Đảng họp và nhận định: Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp. Tháng 11/1946, trong văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” Hồ Chủ tịch viết: “… phải hiểu, phải làm cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ” nhưng: “Cố ráng sức ra khỏi mùa đông lạnh lẽo, ta sẽ gặp mùa xuân”. Văn kiện còn nhấn mạnh, muốn thắng địch phải: “Trường kỳ kháng chiến – kháng chiến và kiến quốc. Một mặt phá hoại, một mặt kiến thiết. Phá hoại để ngăn địch, kiến thiết để đánh địch…”.

Từ Hà Nội, sau Hội nghị Quân sự toàn quốc cuối năm 1946, tháng 11, Chiến khu XI được thành lập (trong 12 chiến khu của cả nước). Đồng chí Nguyễn Văn Trân là Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Khu XI. Đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng mặt trận Khu XI… Đồng chí Trần Quốc Hoàn là phái viên Trung ương tại mặt trận Hà Nội. Trung ương giao cho Hà Nội: Nếu địch cố tình gây chiến, phải nhanh chóng đánh trả, chủ động trong tác chiến, kìm giữ thế hung hăng của giặc trong một thời gian, tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị công cuộc kháng chiến lâu dài.

Với lực lượng 2.500 Vệ quốc quân, 6.000 tự vệ, được đông đảo nhân dân thủ đô ủng hộ, mặc dù vũ khí còn thô sơ so với 6.500 tên thực dân được trang bị hiện đại, Hà Nội đã chuẩn bị cho mình một tư thế hiên ngang trước giờ xuất trận.

1

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, chiến sỹ Thủ đô quyết tâm đánh địch, bảo vệ từng ngôi nhà, góc phố. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đầu tháng 12/1946, bằng những vụ khiêu khích ngày một nhiều, quân xâm lược Pháp châm ngòi và phát động cuộc chiến cục bộ trong lòng phố phường Hà Nội. Ngày 4/12, Nhà thông tin Bờ Hồ bị đốt. Ngày 10/12, nhiều công sự của tự vệ ta bị Pháp đặt mìn phá hủy. Ngày 16/12, Lực lượng Công an ta đang giữ gìn trật tự trên đường phố bị quân Pháp vô cớ xả súng. Ngày 17/12, tự vệ ta bị tấn công, nhân dân phố Hàng Bún, Yên Ninh bị tàn sát. Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 18-12, quân Pháp ra tối hậu thư  đòi tự vệ ta nộp vũ khí, đòi chiếm đóng Sở Công an Hà Nội, nắm quyền kiểm soát thành phố về mặt trật tự…

Biết rõ âm mưu độc ác của giặc, với ý chí thà chết không chịu làm nô lệ, nhân dân Hà Nội đã có những hành động kiên quyết. Ngày 16/12/1946, vang lên lời thề quyết tử để bảo vệ thủ đô của Vệ quốc quân trong lễ tuyên thệ. Ngày 18/12/1946, thanh niên tự vệ Hà Nội họp và ra quyết nghị: “Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với thủ đô. Lúc này Tổ quốc là trên hết, dân tộc là trên hết”.

Những cuộc chiến đấu trên đường phố

“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…!”, và “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước!”. Ngày 19/12/1946, Bác ra lời kêu gọi cả nước kháng chiến. Quyết định lịch sử này được truyền đạt tới Khu ủy Khu XI. Chiều 19/12, kế hoạch kháng Pháp và giờ nổ súng được bí mật phổ biến.

Ngày 19/12/1946, lúc 20 giờ 3 phút, Nhà máy Điện Yên Phụ ngừng chạy, đèn thành phố đồng loạt vụt tắt. Đây là hiệu lệnh chiến đấu. Từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Cang, Đào Xuyên, những đường lửa của pháo binh ta bay xé màn đêm nhằm những nơi giặc Pháp đóng quân trong Thành Hoàng Diệu rót đạn. Các vị trí khác của giặc đóng trên phố bị lính vệ quốc của ta cùng các đơn vị phối thuộc của công an, tự vệ đồng loạt tấn công…

Cầu Long Biên bị nghẽn vì ta đặt bom phá. Nhiều cây to và cột đèn do tự vệ ta đặt mìn phá đổ ngổn ngang. Toa xe điện, xe lửa bị lật nghiêng ở các ngã ba, ngã tư, nhiều gia đình khuân đồ đạc, bàn ghế ra đường làm chướng ngại vật. Nội đô đồng loạt tiến công.

Nhiều vùng ngoại thành trống mõ nổi lên, huy động người tiếp ứng cho thành phố. Tại các khu Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Mê Linh… lực lượng tự vệ được tập trung thành đại đội, tiểu đoàn khẩn cấp hành quân về phía các cửa ô. Cũng trong đêm này, ở các địa phương xa hơn như Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, thị xã Hà Đông… đã gửi lực lượng tự vệ tham gia đánh Pháp trong lòng phố Hà Nội.

Sau phút choáng váng ban đầu, thực dân Pháp đã phản công một cách điên cuồng. Quân trong thành của chúng được tung ra để ứng cứu các vị trí bị đánh, bị chiếm. Ga Hà Nội, cầu Long Biên, nhà Bưu điện, Bắc Bộ phủ… Tổng chỉ huy và doanh trại Vệ quốc đoàn ở Hàng Bài, Sở chỉ huy tự vệ ở nhà Đấu Xảo… Ở đâu quân xâm lược cũng gặp phải sức chống cự mãnh liệt của quân dân ta.

Đồng chí Lê Gia Định, Chính trị viên đại đội đã hy sinh trong trận quyết tử bảo vệ Bắc Bộ phủ. Các chiến sĩ tự vệ nhà Bưu điện đánh giặc đến người cuối cùng. Tại trụ sở Bộ Quốc phòng, trận chiến quyết liệt kéo dài tới ngày 21/12/1946.

Ngăn chặn quân Pháp nống ra, các vùng quanh Hà Nội làm vườn không nhà trống. Đường giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh bị triệt phá. Sân bay Bạch Mai bị dân quân khu phố 3 khống chế. Dân quân đặc khu Ngọc Thụy, Gia Lâm tổ chức các đợt đột kích vào sân bay.

Các đợt phản kích của Pháp bị chặn lại. Không những thế, ta còn tiếp tục tấn công chúng ở Nhà Dầu Sheell, nhà ga, Nhà in IDEO, ô Yên Phụ… khiến mưu đồ muốn làm chủ Hà Nội sau 24 giờ của thực dân Pháp bị phá sản. Chỉ trong đêm 19 rạng ngày 20/12/1946, 300 tên thực dân đã bị tiêu diệt cùng 5 xe tăng, 2 xe zeep, 7 xe vận tải bị phá hủy…–PageBreak–

Từ ngày 21/12/1946, địch vây bốn mặt Liên khu phố I (khu trung tâm của Hà Nội). Với chủ trương không phá vây rút ra ngoài, ta trụ lại chờ địch đến để tiêu diệt địch. Địch một mặt khép vòng vây, một mặt đánh lấn ra xung quanh, cắt đứt viện trợ từ bên ngoài hòng cô lập dân quân ta ở các phố Đồng Xuân, Đông Thành, Hoàn Kiếm, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hồng Hà, Long Biên và vùng bãi giữa Sông Hồng… Tiếp đó, chúng liên tiếp mở các  cuộc tấn công vào vành đai thành phố từ các cửa ô hình thành thế gọng kìm từ ô Yên Phụ nối với Ngọc Hà, Kim Mã, Thụy Khuê, ngã tư Kim Liên, Ô Cầu Dền… Các trận đánh giữa ta và quân xâm lược đã diễn ra hết sức dữ dội ở phố Hàng Da (ngày 22/12), phố Lò Lợn, chợ Hôm (ngày 23/12), phố Hàng Bông (24/12), đường Đại Cồ Việt (ngày 25/12), cửa ô Cầu Dền (26/12)…

“Mỗi người dân là một người lính”, “Mỗi nhà là một pháo đài”, “Mỗi phố là một chiến tuyến”, cả Hà Nội sau đêm 19/12/1946 đã thành một chiến trường lớn.

Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, khắp các mặt phố đâu cũng là chiến hào, chiến lũy. Nhiều người tự phá nhà mình dành chỗ cho bộ đội đánh giặc. Vật chướng ngại giăng đầy đường. Trong đó được cài bom, mìn. Những ổ bắn tỉa, phục kích xuất quỷ nhập thần khiến kẻ thù hoảng loạn. Nhiều chai xăng cơ rếp đã thiêu cháy thiết giáp địch. Tại trận quyết đấu ở chợ Hôm, chiến sĩ ta đã ôm bom ba càng lao vào xe địch. Tại chiến tuyến Đại Cồ Việt, lần đầu tiên cơ giới Pháp nếm mùi bazôka của bộ đội ta. Tổ tự vệ khu vực Đông Thành đã chụm súng trường hướng lên trời bắn rơi máy bay  khu trục Moran của Pháp. Có thể đây là trận đầu tiên những người tự vệ Việt Nam dùng súng bộ binh đánh gục không quân địch.

“Sống chết với Thủ đô”, “Hà Nội, Stalingrat của Việt Nam” – những khẩu hiệu do chiến sĩ ta tự tay viết lên  vách chiến lũy, vách tường là tinh thần và sức mạnh của người Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu giữa lòng Thăng Long văn hiến. Hà Nội chứng tỏ cho quân xâm lược biết, đế đô này không phải là chốn vui chơi của chúng.

Sát cánh cùng bộ đội và tự vệ, phụ nữ Hà Nội cũng góp phần sức lực trong mọi công việc có thể đảm nhận được. Đại đội nữ cứu thương 134 có một tiểu đội nữ chiến sĩ quê ở vùng hoa Ngọc Hà đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ở Giảng Võ. Các cô gái của Tiểu đội giao thông liên lạc Lãng Bạc đã đảm bảo mạch máu thông suốt giữa vùng chốt thép (Liên khu phố I) với bên ngoài trong vòng vây bủa của giặc.

Trong máu lửa của cuộc chiến đấu, lực lượng ta trưởng thành từng ngày. Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu XI đã nhất trí để các lực lượng vũ trang Liên khu I gồm vệ quốc quân, tự vệ thành, tự vệ chiến đấu, các chiến sĩ công an xung phong hợp nhất lại thành Trung đoàn Liên khu I (Tiểu đoàn 101 là nhân cốt). Chiến sĩ của trung đoàn đa phần là người lao động. Đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Đảng ủy liên khu phố trực tiếp làm Chính ủy Trung đoàn. Trung đoàn được thành lập vào ngày 6/1/1947. Ngày 12/1/1947,  tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ I, Trung đoàn Liên khu I được đặt tên là “Trung đoàn Thủ đô”. Ngày 13/1/1947, đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô làm lễ tuyên thệ trước quốc kỳ để chuẩn bị bước vào thời điểm quyết liệt mới.

Ngày 27/1/1947, trong thư gửi các chiến sĩ cảm tử thủ đô nhân dịp tết Nguyên Đán Đinh Hợi, Hồ Chủ tịch viết: “… Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại… Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau…”.

Từ 6/2/1947, Pháp mở cuộc tổng công kích vào Liên khu phố I. Chúng đánh nhà Xôva, Trường Ke, phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ, Hàng Đường, Hàng Chiếu, Đồng Xuân. Phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây. Pháp đã cho máy bay ném bom ác liệt vì nghi có trụ sở chỉ huy của Liên khu I. Quân dân ta ở khu phố I bị giặc vây ép từ bốn phía. Ta giành giật với địch từng con đường, ngôi nhà, góc phố. Tại khu vực chợ Đồng Xuân, ta đánh giáp lá cà với hàng trăm tên địch. Chiến sĩ ta vật lộn với bọn Tây đen, Tây trắng bên những quầy hàng…

Ngày 14/2/1947, Pháp giảm mức độ bắn phá để chờ quân tăng viện, chuẩn bị mở cuộc tấn công lớn nhất vào Liên khu I, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến sự. Ngày 15/2/1947, cấp trên chỉ thị cho các lực lượng chiến đấu tại Liên khu I được rút khỏi Hà Nội ra ngoài hậu phương chuẩn bị những bước mới cho cuộc kháng chiến lâu dài với giặc Pháp.

Lúc này đang mùa nước cạn. Sông Hồng, sông Đuống sẽ là hướng quân dân Liên khu I chọn lối vượt qua.  Ngày được chọn là ngày 17/2/1947. Hỗ trợ cho kế hoạch rút quân này, lực lượng ta ở phía ngoài được lệnh áp sát  các cửa ô, có chỗ còn tiến sâu vào nội thành, gây rối, đánh phá, khiến địch phải phân tán lực lượng để đối phó. Để đánh lạc hướng thăm dò của Pháp, Ban chỉ huy của Liên khu phố I đã thỏa thuận với Lãnh sự quán Tàu Tưởng, đồng ý việc tiếp tế cho Hoa kiều ở nơi vây hãm một số lương thực và tổ chức cho họ tản cư vào ngày 17 hoặc 18/2/1947.

Đêm 17/2/1947, lực lượng của Trung đoàn Thủ đô chia thành từng đơn vị nhỏ cùng đồng bào Liên khu phố I lặng lẽ đặt từng dấu chân thận trọng trên cát, dưới gầm cầu Long Biên, rẽ nước vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây dày đặc của giặc ra vùng tự do. Lực lượng được phân công ở lại quấy rối nhằm nghi binh là lực lượng ra sau cùng.

Riêng Đội tự vệ Hồng Hà gồm những người dân lao động ngoài bãi sông Hồng đã chiến đấu ròng rã 60 ngày đêm, bảo vệ và nối liền con đường tiếp tế cho dân quân Liên khu I đã có những chiến sĩ mãi mãi nằm lại trên cát đỏ sông Hồng. Đó là đảng viên Nguyễn Ngọc Nại, Tiểu đội trưởng và 7 đồng đội khác của anh. Họ đã trụ vững ở bãi giữa, chiến đấu quyết liệt với giặc Pháp vào sáng ngày 18/2/1947, thu hút hỏa lực kẻ thù về phía mình, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui chiến lược của Trung đoàn Thủ đô, của quân dân Hà Nội…

2

Pháo đài Láng – nơi mỏ màn cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta

Mặt trận Hà Nội từ đêm 19/12/1946 cho đến cuộc rút lui an toàn là cuộc chiến đấu mang ý nghĩa chiến lược, giáng mạnh vào đạo quân xâm lược, dạy cho chúng bài học về lòng quả cảm Việt Nam, về sức mạnh vô địch của trận địa lòng dân Hà Nội, mở đầu cho chiến thắng thực dân Pháp của quân và dân ta sau này

                                                                                      Nhật Văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *