Văn hóa

Hà Nội phải trở thành Thủ đô văn hóa, trung tâm sáng tạo của đất nước

Trước ngày khai mạc hội thảo “60 năm Giải phóng Thủ đô – Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển”, Ban tổ chức đã nhận được hơn 70 tham luận thể hiện tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, cũng như kỳ vọng về một Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa […]

Trước ngày khai mạc hội thảo “60 năm Giải phóng Thủ đô – Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển”, Ban tổ chức đã nhận được hơn 70 tham luận thể hiện tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, cũng như kỳ vọng về một Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Một số ý kiến dưới đây là một phần trong khối lượng ý kiến bao quát rộng lớn mà các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước gửi tới hội thảo.

GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
Di sản văn hóa, nội lực trọng yếu của Thủ đô

Tôi luôn nghĩ rằng, Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm quyền lực và là đầu não của đất nước, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu. Hà Nội có thể không đứng đầu cả nước về phương diện kinh tế, công nghiệp,… nhưng sau vai trò trung tâm chính trị, phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia – dân tộc. Về mặt này, Hà Nội đã có những ưu thế tuyệt đối do lịch sử hơn nghìn năm Thăng Long – Hà Nội tạo nên và công cuộc xây dựng, phát triển Hà Nội ngày nay phải phát huy được vị thế đó. Cả một lịch sử kinh đô lâu dài và gần như liên tục hơn nghìn năm đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ vô giá, sự mở rộng Hà Nội trong 60 năm qua tạo nên một không gian mới cho sự phát triển của Thủ đô. Di sản văn hóa của cả Hà Nội hôm nay trong đó di sản hơn nghìn năm đóng vai trò trung tâm cốt lõi, mỗi khi được bảo tồn và phát huy, mỗi khi thấm vào nhận thức và tình cảm mỗi con người, mỗi khi được quán triệt trong quy hoạch chung và trong công cuộc xây dựng, sẽ là một nội lực trọng yếu bảo đảm sự phát triển đặc trưng và bền vững của Thủ đô Hà Nội ngày nay và mãi mãi về sau: Một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại mang sắc thái và cốt cách tiêu biểu của truyền thống văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, không chỉ quy tụ vào một trung tâm lịch sử mà còn tỏa rộng trên không gian đô thị rộng lớn.

GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Mỗi người Hà Nội là một “nhà ngoại giao”

Hoạt động đối ngoại ngày nay không chỉ là công việc của các quan chức ngoại giao, không thu hẹp trong hội nghị hay bàn tiệc mà nó diễn ra trên đường phố với mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Một nụ cười tươi, một lời nói lịch sự, một cử chỉ mến khách, một sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân Hà Nội, từ anh lái taxi đến chị bán hàng, từ chiến sĩ CSGT đến các em học sinh quàng khăn đỏ, từ nhân viên thường trực công sở đến những người đạp xích lô…, tất cả đều mang lại cho khách đến (kể cả khách trong nước) một niềm vui, một ý nghĩ đẹp về con người Hà Nội nghìn năm văn hiến. Nhưng nếu ngược lại thì hình ảnh của chúng ta sẽ xấu đi. Do vậy, vấn đề trước hết là làm sao để mỗi người dân Hà Nội nhận thức được trách nhiệm và vinh dự của người chủ nhà được tiếp những người khách từ phương xa tới. Sự chuẩn bị về nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền trong các tổ chức dân phố, giáo dục trong các trường học, phổ biến trong cơ sở công đoàn thuộc các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài và cuối cùng là mở rộng ra mọi công dân của Thủ đô. Mở cuộc vận động truyền bá tinh thần đối ngoại đến nhân dân thành phố, trước hết ở các khu trung tâm, là rất cần thiết và có tính khả thi. Việc biên soạn những tài liệu đơn giản, thiết thực, với những báo cáo viên hấp dẫn sẽ nhanh chóng đưa sự hiểu biết về đối ngoại nhân dân vào đông đảo quần chúng Thủ đô và sẽ có hiệu quả trong thực tiễn.

TS Katherine Muller – Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam:
Xác định hạt nhân trong phát triển

Thách thức hàng đầu đối với Hà Nội là việc cân bằng bền vững giữa phát triển và di sản của thành phố, giữa những áp lực của hiện đại hóa và nhu cầu của cư dân Thủ đô, giữa chức năng là “ngôi nhà” với người dân Thủ đô và trải nghiệm của hàng triệu du khách đến thành phố mỗi năm. Những phương thức phát triển kinh tế và hoạch định quản lý bảo tồn có thể được tích hợp để phát triển thành một mô hình mới, trong đó di sản trở thành hạt nhân của quá trình phát triển của thành phố thay vì là một sự bổ sung đơn giản. Hà Nội nên khai thác nhiều hơn nữa các giá trị của văn hóa và di sản của mình để nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách.

Thành phố nên hướng tới việc kết nối chặt chẽ hơn giữa du khách và “người Hà Nội”. Ngồi uống trà với người dân địa phương và tìm hiểu về cuộc sống của họ, tín ngưỡng, niềm tin và những câu chuyện của họ có thể là một cách thú vị làm phong phú thêm trải nghiệm của khách du lịch. Điều này sẽ tạo cho thành phố một gương mặt nhân văn và một câu chuyện mà du khách có thể chia sẻ khi trở về nhà. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng, di sản không chỉ được thể hiện trong các kiến trúc, tượng đài. Di sản có thể được nghĩ đến như một thừa kế đẹp đẽ và có ý nghĩa từ tổ tiên của bạn hoặc đơn giản chỉ là những thực phẩm bạn ăn, là câu chuyện, trang phục, âm nhạc và kiến trúc của bạn. Du khách cần tận hưởng tất cả các hình thức này của di sản. Và, người Hà Nội nên ý thức hơn về giá trị của mình.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia:
Công nghiệp sáng tạo và vị thế Thủ đô

Những khu tập thể cũ, những nhà máy bỏ hoang vì chuyển đến nơi mới nhằm tránh ô nhiễm cho Thủ đô, hay những khu đất bỏ hoang vì một lý do nào đó. Tất cả có thể được hồi sinh nhờ sáng tạo! Từ những kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới, đối với Hà Nội, công nghiệp sáng tạo chắc chắn phải trở thành chiến lược phát triển trọng tâm để giải quyết những vấn đề của chính Thủ đô nói riêng hay của cả nước nói chung.

Ngành công nghiệp sáng tạo có thể có những đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa; giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội; đưa văn hóa đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội theo đúng tinh thần văn kiện Hội nghị lần thứ chín (BCH TƯ khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Để lựa chọn con đường phát triển trong những năm sắp tới, Hà Nội cần phải trở thành Thủ đô văn hóa, trung tâm sáng tạo của đất nước và hướng tới vị trí quan trọng hơn của khu vực và Châu Á.

Theo Báo Hànộimới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *