Ngày 09/11, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 7839/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Trường quay Cổ Loa.
Việc xây dựng trường quay Cổ Loa nhằm xây dựng khu trường quay hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền điện ảnh nước nhà nói riêng và khu vực nói chung, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và giải quyết tốt những vấn đề kinh tế – xã hội. Tạo lập không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với khu đô thị xung quanh.
Khu đất nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết có tổng diện tích khoảng 157.693m2 được phân chia thành các lô đất quy hoạch, bao gồm các chức năng sử dụng đất chính sau: khu Trường quay; khu nhà ở, đảm bảo sự linh hoạt trong việc xây dựng các bối cảnh phục vụ việc sản xuất phim ảnh. Giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hiện tượng khói, bụi, tiếng ồn… với khu dân cư lân cận.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ, Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực Trường quay Cổ Loa phù hợp nội dung Quyết định này, chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Trường quay Cổ Loa tổ chức công bố công khai nội dung Đồ án Quy hoạch chi tiết được duyệt, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định. UBND Thành phố cũng yêu cầu, khi triển khai dự án phải có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công xây dựng, nâng cao nhận thức người dân trong việc khai thác sử dụng các hoạt động đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND các xã Uy Nỗ, Cổ Loa và Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, quản lý, giám sát việc xây dựng đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trường quay Cổ Loa là trường quay đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã có từ hơn 50 năm trước. Nơi đây đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như: Chung một dòng sông; Chị Tư Hậu; Nghêu, sò, ốc, hến… Trường quay Cổ Loa đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, với ngành điện ảnh Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đến những năm 1980, cùng với những khó khăn, sự thăng trầm của đất nước, Trường quay Cổ Loa dần bị quên lãng và trở nên tan hoang, cỏ mọc um tùm. Năm 2008, để chuẩn bị cho kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Bộ VHTTDL đã quyết định phục hồi và nâng cấp Trường quay Cổ Loa, với nguồn kinh phí của Nhà nước lên tới 108 tỷ đồng. Mục đích sẽ xây dựng một trường quay đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa/năm, đến 2030 sẽ đưa nước ta đứng trong 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh.
Sau khi nâng cấp, cải tạo, nhiều hạng mục đã khang trang hơn, nhiều bối cảnh đã được dựng lên, đặc biệt là bối cảnh cho 2 phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử Thiên Đô. Tuy nhiên, sau một thời gian, các hạng mục này đã xuống cấp nhanh chóng, Trường quay vẫn loay hoay ở việc hoàn thành phương án quy hoạch tổng thể.
V.H
Theo MaskOnline