Thư viện

Hà Nội quan tâm phát triển các mô hình đọc sách

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 85% người dân sử dụng các mô hình đọc sách có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí; 100% quận, huyện, thị xã có thư viện tư nhân, tủ sách gia đình…

Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, khai thác hiệu quả nguồn vốn tài liệu, phát triển tài nguyên thông tin trong hệ thống thư viện, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, thành phố Hà Nội quan tâm phát triển các mô hình đọc sách trên địa bàn Thành phố.

Một góc Thư viện Dương Liễu. Ảnh: Thế Vũ

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 85% người dân sử dụng các mô hình đọc sách có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí; 100% quận, huyện, thị xã có thư viện tư nhân, tủ sách gia đình…

Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa đọc cùng niềm đam mê, tình yêu dành cho sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho mỗi thành viên, nhiều gia đình trên địa bàn Hà Nội đã kỳ công tìm đọc, sưu tầm, xây dựng tủ sách gia đình với đầy đủ các thể loại như: Văn học, nghệ thuật, lịch sử, khoa học, giáo dục, kỹ năng sống, truyện cổ tích, truyện tranh… được cất giữ cẩn thận và phân loại khoa học. Để có được những cuốn sách hay, bổ ích, bố mẹ đã dành thời gian cùng các con đi tới nhà sách, hiệu sách cũ hay vào trang bán hàng điện tử để tìm mua sách. Kể cả những cuốn sách, tài liệu viết về lịch sử, văn hóa, giới thiệu về đất và người Hà Nội cũng luôn được các gia đình tìm mua làm phong phú thêm tủ sách gia đình. Chị Khuất Thị Thúy (quận Tây Hồ) chia sẻ, từ khi xây dựng tủ sách gia đình, các thành viên cùng nhau đọc sách, trao đổi về sách thấy gia đình vui vẻ, gắn kết, yêu thương nhau hơn. Bố mẹ hiểu rõ thêm tâm tư, tình cảm của các con trong độ tuổi mới lớn, từ đó định hướng giúp con biết kết hợp hài hòa việc học, nghỉ ngơi, rèn luyện kỹ năng đọc sách cho con, nâng cao vốn sống, nuôi dưỡng tâm hồn và thực hiện ước mơ trong tương lai.

Không chỉ xây dựng tủ sách phục vụ các thành viên trong gia đình, nhiều cá nhân đã thành lập thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, dòng họ để phục vụ nhu cầu đọc của người dân địa phương. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 13 thư viện tư nhân, tủ sách có phục vụ cộng đồng. Đa số các thư viện tư nhân, tủ sách đều đang phục vụ tại không gian của gia đình hoặc nhà thờ họ, như: Thư viện Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên), Thư viện gia đình Hưng Phúc (quận Hà Đông), Thư viện Thế Uẩn Thư Trai (quận Cầu Giấy), Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng (quận Long Biên), Thư viện tư nhân Hương Hằng (quận Long Biên), Thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức), Tủ sách dòng họ Nguyễn Bá (huyện Ba Vì)… Riêng Thư viện thiếu nhi Kids Need Book (quận Cầu Giấy) thuê địa điểm hoạt động.

Kinh phí hoạt động của các thư viện tư nhân, tủ sách có phục vụ cộng đồng hoàn toàn do chủ nhân sáng lập ra tự quyết định. Họ chủ động đầu tư kinh phí mua sắm sách, báo, trang thiết bị, giá sách, bàn ghế, máy tính để tổ chức hoạt động. Ngoài ra, một số thư viện tư nhân, tủ sách cũng nhận được sự quyên góp từ các cá nhân, bạn bè, người thân và một số cơ quan, tổ chức. Chỉ có Thư viện Kids Need Book (quận Cầu Giấy) là có thủ thư riêng; số thư viện tư nhân, tủ sách còn lại đều do người sáng lập ra phụ trách hoặc người trong gia đình, dòng họ phụ trách.

Các thư viện tư nhân, tủ sách có phục vụ cộng đồng phục chủ yếu bằng 2 hình thức là đọc tại chỗ và mượn về nhà, miễn phí hoàn toàn khi đến đọc, mượn sách; Thư viện Kids Need Book (quận Cầu Giấy) có thu phí đọc và tiền cược sách khi bạn đọc muốn mượn về nhà. Duy nhất có Thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức) được các bạn trẻ tình nguyện viên thay phiên nhau phục vụ bạn đọc, ngoài đọc sách, hàng tháng thư viện đều tổ chức cho các em thiếu nhi sinh hoạt tập thể theo những chủ đề khác nhau nhằm kích thích tính sáng tạo, ham học hỏi và khả năng giao tiếp của các em, khơi gợi cho các em niềm đam mê, yêu thích sách.

Mặc dù còn gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, bảo quản sách, báo, duy trì hoạt động thường xuyên, tài liệu chưa được xử lý và tổ chức sắp xếp khoa học theo nghiệp vụ thư viện… nhưng các thư viện tư nhân, tủ sách có phục vụ cộng đồng đã, đang góp phần bồi đắp, lan tỏa văn hóa đọc.

Để phát huy hơn nữa vai trò của sách trong cuộc sống hiện nay, rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, ngành, các gia đình và xã hội trong việc phát triển văn hóa đọc, truyền cảm hứng cho phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu, thực chất, học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, học tập để không ngừng hoàn thiện bản thân, đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của đất nước./.

Mai Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *