Tuyến phố Trịnh Văn Bô có chiều dài 1,2km và rộng 7,5m bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
Trong 20 tuyến phố mới có tuyến phố mang tên Trịnh Văn Bô được đặt ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tuyến phố Trịnh Văn Bô bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng. Tuyến phố có chiều dài 1,2km và rộng 7,5m.
Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Ông Trịnh Văn Bô (1914 – 1988) là một thương nhân thành đạt, giàu có, nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán với hiệu buôn Phúc Lợi nổi tiếng đất Hà thành đầu thế kỉ 20. Khi trưởng thành, ông kết hôn với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của một nhà nho và thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Sau đó, hai ông bà tiếp tục mở rộng sự nghiệp buôn bán của hiệu Phúc Lợi, mở rộng giao thương khắp khu vực Đông Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Ấn Độ… Chính vì vậy mà ông bà sở hữu một khối tài sản không hề nhỏ.
Vốn có tinh thần yêu nước và tư tưởng đổi mới, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông bà Trịnh Văn Bô đã dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm nơi làm việc. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này, ông bà cũng tặng ngôi nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Tổng Bí thư Trường Chinh đến chia buồn cùng gia quyến ông Trịnh Văn Bô trong lễ tang của ông. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Không chỉ thế, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng và vận động giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng. Tất cả số vàng này đã góp phần không nhỏ để chính phủ non trẻ lèo lái qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” lúc bấy giờ.
Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước dành được độc lập là thành quả đấu tranh của cả dân tộc ta. Có những người trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu, nhưng cũng có những người âm thầm ủng hộ tiềm lực tài chính mà không phải ai cũng biết. Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là một người như vậy. Những đóng góp mà vợ chồng ông dành cho cách mạng vô cùng quan trọng trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp. Vì vậy tên của ông được đặt tên cho một con phố là hoàn toàn xứng đáng.
Đáng tiếc thay, vào ngày 5/11, cụ Hoàng Thị Minh Hồ, đã qua đời tại nhà riêng ở số 34 Hoàng Diệu ở tuổi 104, không kịp tận mắt chứng kiến ngày tên ông Trịnh Văn Bô chính thức được đặt tên phố.
Huyền Trang
Theo MaskOnline