Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06) được Thành ủy ban hành ngày 17/3/2021. Đây là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Ngay sau khi Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy được ban hành, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức từ tác động, ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, song toàn Thành phố với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Thành phố đã có 16 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch hằng năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra, đòi hỏi các đơn vị của thành phố cần đổi mới cách làm để đảm bảo tiến độ của chương trình.
Phát triển văn hóa
Căn cứ Quyết định 586-QĐ/TU ngày 15/12/2020 của Thành ủy về việc thành lập 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình ngay từ tháng đầu, quý đầu, đồng thời ban hành hệ thống văn bản làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện. Công tác quán triệt, tuyên truyền về Chương trình được triển khai bài bản, khoa học, đa dạng bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phong trào của đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai, cụ thể hóa nội dung Chương trình thành chỉ tiêu, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể tại địa phương để thực hiện Chương trình.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch hằng năm gồm: Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72,6%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa đạt 71,8%; tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa đạt 97,5%; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt 30,5%; đóng góp lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (SEA GAMES, ASIAD…): đạt 30,24%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%; số lao động được đào tạo nghề hằng năm đạt 251.500 lượt người, đạt 112% kế hoạch. Bên cạnh đó, có tám chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: Tỷ lệ Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, số di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, số di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, số vở diễn được dàn dựng mới và biểu diễn hằng năm, số phim tài liệu, khoa học, loại hình được sản xuất hằng năm, Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, xây dựng các trường liên cấp ngang tầm các nước trong khu vực…
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Về kết quả thực hiện các dự án, Chương trình dự kiến danh mục 21 dự án. Hiện đã triển khai thành 25 dự án thành phần với tổng mức đầu tư dự kiến 18.677,4 tỷ đồng, trong đó, thành phố đã có kế hoạch vốn cho 21 dự án dự kiến 12.468,6 tỷ đồng; 04 dự án chưa có kế hoạch đầu tư, gồm: Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trong thiết bị cho các nhà hát; Bảo tồn hồ Văn, Văn Miếu; Dự án đầu tư nghề trọng điểm – Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội; Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ.
Để triển khai hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ nhiều vấn đề còn tồn tại từ nhiều năm, đến nay đã có hướng giải quyết như: dự án Hoàng Thành, Cổ Loa, Bảo tàng Hà Nội, các thiết chế văn hóa, thể thao Thành phố, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng mô hình trường tầm cỡ khu vực. Các cấp ủy cơ sở, đã tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh tại Thủ đô và cả nước diễn biến hết sức phức tạp, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, chia sẻ với nhau lúc khó khăn được nhân rộng, thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử người Hà Nội, là cội nguồn văn hóa của người dân Hà Nội, đó chính là tình người, tính nhân văn, tinh thần vì cộng đồng.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Việc triển khai Chương trình được tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch đang trên đà khởi sắc. Hà Nội với vai trò là nơi đăng cai phần lớn các môn thi đấu và đăng cai Lễ khai mạc và Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á – SEA Games 31, đây là sự kiện lớn nhất, quy mô nhất của cả khu vực Đông Nam Á trong suốt 3 năm đại dịch, đánh dấu sự khởi đầu mở cửa của khu vực và chứng minh được ngoài khả năng về mặt chuyên môn, sự kiện được đánh giá khả năng tổ chức, sự tham gia của người dân cả nước (11 địa phương) trong đó có Thủ đô Hà Nội, thể hiện đậm nét hình ảnh văn hóa của người Việt nói chung, Thủ đô nói riêng thấm sâu vào các hoạt động; du lịch đã có sự phục hồi tốt; tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược về phát triển văn hóa của quốc gia; đã ban hành một số nghị quyết trong lĩnh vực văn hóa, nâng cao nguồn nhân lực; các hoạt động của đoàn thể có nhiều hoạt động tích cực, nhất là việc cụ thể hóa Chương trình; Đã tham mưu ban hành xác định nhu cầu, đề xuất danh mục đầu tư công giai đoạn 2022-2025, nhất là lĩnh vực giáo dục, văn hóa và y tế, tập trung vào kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và nâng cấp, tu bổ di tích trên địa bàn giai đoạn 2022- 2025.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, một số tiêu chí của Chương trình 06 vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, trong đó, còn ba chỉ tiêu chưa đạt. Đó là số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 1.067 buổi (kế hoạch là 3.000 buổi); xếp hạng di tích cấp thành phố đạt 21 di tích (kế hoạch là 25); số lượt khách du lịch đón và phục vụ hằng năm đạt 18,7 triệu lượt (kế hoạch là 35- 39 triệu lượt).
Do ảnh hưởng của đại dịch bệnh COVID-19 dẫn đến hầu hết các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao phải dừng hoạt động; các di tích đóng cửa; ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong nửa đầu nhiệm kỳ. Việc lựa chọn nội dung điển hình của địa phương tiến hành xây dựng mô hình điểm gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa tại địa phương còn hạn chế. Việc rà soát nhu cầu xây dựng các quảng trường, các sân vận động, thiết chế văn hóa của các quận, huyện, thị xã còn chậm. Một số nơi có thiết chế thể dục thể thao nhưng chưa sử dụng hết công năng. Thiếu cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa thể thao. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực còn gặp những khó khăn, điển hình như Công tác quy hoạch mạng lưới trường học. Do quy mô dân số quá lớn, sự gia tăng các trường vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thiếu phòng học hai buổi/ngày, nhiều trường đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động Thủ đô, đặc biệt đối với những ngành nghề mới xuất hiện, đòi hỏi công nghệ cao theo nhu cầu của xã hội.
Giai đoạn 2023-2025 là khoảng thời gian quan trọng để Thành phố tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình 06-CTr/TU nhiệm kỳ 2021-2025. Để triển khai hiệu quả Chương trình, thời gian tới, các sở, ban, ngành quận, huyện, thị xã cần tập trung phối hợp triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tích cực triển khai thực hiện các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy và Kế hoạch của UBND Thành phố về Phát triển Công nghiệp Văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045. Phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các đơn vị liên quan thực hiện các sáng kiến gia nhập “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích và một số dự án xây dựng cơ bản. Tăng cường xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động, sự kiện, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức tham gia đầu tư, phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Thanh Mai