Tiêu điểm Hà Nội

Hà Nội thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 về thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Kế hoạch nêu rõ: Mục đích việc thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Theo đó, thành phố phân loại cấp độ dịch thành 4 cấp, gồm: Cấp 1 – nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 – nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng; cấp 3 – nguy cơ cao, tương ứng với màu cam; cấp 4 – nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã, phường, thị trấn. Thành phố khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.

Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tiêu chí 1 là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian (số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần); tiêu chí 2 là độ bao phủ vắc xin (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19); tiêu chí 3 là bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Điều chỉnh cấp độ dịch theo nguyên tắc, trường hợp không đạt được Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch. Tăng lên 1 cấp độ dịch, nếu, trong tháng 10/2021, không đạt tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; trong tháng 11 năm 2021, không đạt tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Thời gian đánh giá là 01 tuần/lần.

Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng. Trong quá trình triển khai, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các Sở, ban, ngành Thành phố, các quận, huyện thị xã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về việc thực hiện các tiêu chí, báo cáo UBND Thành phố bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Chính phủ.

Đánh giá cấp độ dịch của thành phố tính đến thời điểm ngày 29/10/2021 (theo tiêu chí của Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 13/10/2021 của Bộ Y tế) thì cấp độ dịch của thành phố Hà Nội là cấp 2. Các biện pháp hành chính áp dụng chung cho toàn thành phố tương ứng cấp độ dịch cấp 2 (một số địa bàn xã, phường áp dụng cấp độ 3, 4).

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn.

Các địa phương cũng thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đối với việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch; người nhập cảnh (bao gồm trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin); người hoàn thành cách ly tập trung được di chuyển thuận lợi về nơi cư trú – lưu trú, làm việc để phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất.

Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn và hướng dẫn các tiêu chí của Bộ Y tế, các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch của các xã, phường, thị trấn gửi kết quả về Sở Y tế (qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố) để tổng hợp báo cáo UBND thành phố công bố cấp độ dịch theo quy định; dựa vào kết quả đánh giá cấp độ dịch của các xã, phường, thị trấn để áp dụng các biện pháp phù hợp bảo đảm mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua; bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Các địa phương cũng nêu cao vai trò của tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng (do lực lượng công an làm nòng cốt); các lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh… trong công tác theo dõi, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về thành phố.

Thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi…

UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành kèm theo kế hoạch Phụ lục về các biện pháp hành chính phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *