Với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Theo đó, tháng hành động sẽ diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6.
Mục đích các hoạt động triển khai nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý nghĩa, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cộng đồng nhằm chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực trong việc thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, tạo điều kiện để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và phát triển toàn diện.
Tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em
Thành phố cũng đặt ra yêu cầu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định được quan tâm, hỗ trợ trong Tháng hành động vì trẻ em, đặc biệt nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Đồng thời, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em tại cộng đồng, ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Tại cấp Thành phố, Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 26/5 tại huyện Quốc Oai.
Các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ phát động vì trẻ em năm 2022 vào cuối tháng 5 hoặc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2022 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tất cả các hoạt động phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Thành phố.
Cùng với đó là các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà trẻ em. Tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Cụ thể:
Các quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, can thiệp, trợ giúp kịp thời tại cộng đồng. Cũng như, tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nhằm đảm bảo quyền trẻ em.
Quan tâm tới trẻ em nghèo, hiếu học. Ảnh minh họa
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Các quận, huyện, thị xã cứ vào tình hình thực tế để tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày quan điểm, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó là tổ chức các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương.
Tổ chức những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu… với nội dung bổ ích, hình thức phong phú, phù hợp với nhu cầu của trẻ và tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và thực tế của địa phương, đơn vị.
Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; Đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất hoặc nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, bể bơi, bổ sung các trang thiết bị vui chơi giải trí, dụng cụ thể dục thể thao phù hợp cho trẻ em tại cộng đồng.
Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Biểu dương, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong Tháng hành động vì trẻ em. Đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc triển khai, thực hiện Tháng hành động vì trẻ em để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện những năm tiếp theo.
Phương Uyên