Các loại hình khác

Hà Nội trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán

Đó là Hà Nội với đặc trưng là những góc phố có mái ngói đỏ tươi, danh thắng, di tích lịch sử nhuốm màu thời gian, ngay cả con người cũng mang màu bàng bạc sương khói của thời đã xa… Tác phẩm “Nghệ nhân tranh Hàng Trống”,1976           Tranh khắc gỗ không phải loại […]

Đó là Hà Nội với đặc trưng là những góc phố có mái ngói đỏ tươi, danh thắng, di tích lịch sử nhuốm màu thời gian, ngay cả con người cũng mang màu bàng bạc sương khói của thời đã xa…

1

Tác phẩm “Nghệ nhân tranh Hàng Trống”,1976

          Tranh khắc gỗ không phải loại hình nghệ thuật đồ họa duy nhất mà họa sĩ Trần Nguyên Đán theo đuổi, nhưng nó là thứ duy nhất ông chuyên tâm trong suốt một đời làm nghệ thuật của mình. Sau gần 50 năm làm nghề, ông đã gặt hái được nhiều thành công ở thể loại tranh khắc gỗ.

2

Tác phẩm “Thăng Long –  Hà Nội”,2003 

Tranh khắc của họa sĩ Trần Nguyên Đán được chia thành nhiều chuyên đề lớn: Phong cảnh, sinh hoạt nông thôn, lễ hội làng nghề, kiến trúc đình chùa, quan họ…; Hà Nội; Huế; Hội An; Dân tộc thiểu số. Trong số khoảng 100 tác phẩm tranh đồ họa (chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản) xuất hiện tại Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện tại” diễn ra tháng 3/2016, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – (số 66 Nguyễn Thái Học), du khách và công chúng yêu Hà Nội sẽ nhanh chóng nhận ra những bức tranh trong chuyên đề Hà Nội nhờ những dáng hình quen thuộc của Thủ đô mà chưa cần nhìn tựa tranh hay tên bản khắc. Đó là cây cầu Long Biên huyền thoại – chứng nhân lịch sử của người Hà Nội; đó là những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, Văn Miếu, Tháp Rùa, hồ Gươm… hiện lên trong tranh khi gần khi xa, khi mờ khi tỏ, khi là hình ảnh chính, lúc là hình ảnh phụ khiến Hà Nội hiện lên vừa cổ kính, mơ màng, quen mà lạ, xa xăm mà thân thương. Những bức tranh như miền ký ức và tình yêu mê đắm với Hà Nội mà Trần Nguyên Đán đã gửi gắm. Ngần ấy thôi cũng đủ để công chúng biết đến và nhận ra ông – người nghệ sĩ “vẽ” Hà Nội theo một cách rất riêng, kế thừa nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ, tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho tranh khắc Việt Nam.

3

Tác phẩm “Hà Nội trong mắt tôi”, 2011

          Họa sĩ Trần Nguyên Đán nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt II, năm 2007) với các tác phẩm tranh khắc: “Nghệ nhân Hàng Trống”, “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội”…

                                                                                      Quách Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *