Tối 13/8, khán giả Thủ đô Hà Nội sẽ được thưởng thức vở kịch kinh điển “Lão hà tiện” của Nhà hát Kịch Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Lão hà tiện là tác phẩm kinh điển nổi tiếng của tác giả Molière và được đạo diễn NSND Tuấn Hải dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở kịch hoàn thành và ra mắt khán giả vào cuối tháng 3/2017 và tối 13/8 này, Lão hà tiện được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình “Những vở diễn còn mãi với thời gian”.
Nhân vật chính của tác phẩm Lão hà tiện là Arpagon, một nhân vật tiêu biểu cho mặt trái của tầng lớp tư sản Châu Âu thế kỷ XVII.
Arpagon là một ông chủ giàu có nhưng vô cùng hà tiện, hà tiện đến mức keo kẹt, bần tiện, biến mình thành nô lệ của đồng tiền. Vì tiền mà Arpagon quên cả tình cha con, mất hết nhân tính và trở thành kẻ lố bịch, điên rồ. Vợ mất sớm, Arpagon có hai con, con trai là Cleante và con gái tên Elise. Thứ mà Arpagon quý nhất chính là cái tráp đựng một vạn Êquy được cất giấu trong vườn và luôn lo sợ bị trộm mất tráp nên lão ta nghi ngờ tất cả mọi người trong gia đình. Sự ngờ vực và thói bủn xỉn của Arpagon khiến con cái cũng không ưa gì cha mình. Đã thế, ngay cả chuyện hôn nhân của con cái Arpagon cũng tính toán để có lợi cho mình, đó là gả con gái cho người nào không cần của hồi môn và con trai thì phải lấy người nào có thật nhiều của hồi môn. Cô con gái Elisa bị cha ép gả cho một ông già giàu có còn con trai Cleante bị Arpagon ép cưới một góa phụ nhiều tiền trong khi tình yêu của anh chàng lại dành cho nàng Marian. Oái oăm ở đây là Arpagon cũng đem lòng yêu Marian nên hai cha con họ trở thành tình địch. Cả hai người con của Arpagon đều đấu tranh để có được tình yêu của mình và cuối cùng thì Cleante đã lấy trộm được cái tráp để ép Arpagon phải đổi lại bằng cách chấp nhận cuộc hôn nhân của mình với Marian.
Và rồi cuối cùng, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc, riêng với Arpagon hạnh phúc lớn nhất của lão chính là cái tráp vàng đã trở về và còn nguyên vẹn. Điều đó thể hiện rõ nét nhất bản tính hám tiền, vàng của lão hà tiện Arpagon, nhân vật điển hình, tiêu biểu cho những thói hư, tật xấu của một bộ phận tầng lớp thượng lưu của Pháp thế kỷ XVII.
Dàn dựng Lão hà tiện, đạo diễn NSND Tuấn Hải trung thành với kịch bản gốc bởi anh cho rằng đã là kịch bản kinh điển thì cần giữ trọn vẹn phong cách, nội dung, tư tưởng, lời thoại và bối cảnh của tác phẩm. Tuy nhiên tác phẩm đã được anh cắt gọt để có thể mang đến cho khán giả một vở diễn hay, ấn tượng. Có thể nói, ít khi đi xem một kịch kinh điển thế giới mà người xem không bị cảm giác “mệt” như Lão hà tiện, ngược lại suốt 120 phút, khán giả được cười sảng khoái với nhiều chi tiết, mảng miếng hài hước được đạo diễn xử lý nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Bên cạnh đó còn có sự kết hợp các điệu nhảy cổ điển với các vũ điệu break dance hiện đại, hay đan xen những màn đu dây thường chỉ thấy ở những tiết mục xiếc vào giữa các cảnh… cũng là những sáng tạo mới mang lại sức hấp dẫn cho vở diễn.
Đặc biệt là nhân vật Arpagon do NS Mai Nguyên thể hiện rất xuất sắc, khi thì hát, múa, nhảy, lúc lại gào, khóc, leo trèo, du dây… đã lôi cuốn và mang lại tiếng cười cho khán giả từ đầu đến cuối vở diễn. Ấn tượng nhất với người xem là cảnh Arpagon bê ra sân khấu cái hòm to, trong đó có chứa hai cái hòm nhỏ và qua ba lần mở lão ta thích thú lấy được chùm chìa khóa tráp với bộ mặt vô cùng thích thú của một kẻ hám tiền…
Phần âm nhạc của Lão hà tiện do NS Phú Quang đảm nhiệm góp phần tạo nên sự sang trọng cho vở diễn. NSND Doãn Châu trong vai trò thiết kế mỹ thuật, ông đã 3 tấm mô hình có thể quay 4 mặt để tạo thành tòa lâu đài của lão hà tiện với cái gì cũng nhỏ hẹp, các cánh cửa đều có lỗ khóa, ở đâu cũng có hang, hốc… Tất cả đã tạo nên một vở diễn thể hiện rõ phong cách kịch cổ điển châu Âu.
Nói về Lão hà tiện, NSND Tuấn Hải đã từng chia sẻ: Ra đời cách nay đã 4 thế kỷ nhưng những câu chuyện, thông điệp của tác phẩm đến nay vẫn còn mang ý nghĩa. Đó là trong cuộc sống, xã hội hiện đại hôm nay vẫn còn tồn tại đâu đó những con người như Arpagon, vì lòng tham, thói hám tiền sẵn sàng vì đồng tiền mà chà đạp lên tất cả.
Lão hà tiện với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam: NS Mai Nguyên, NSƯT Lâm Tùng, Thu Hương, Thu Hà, Phương Nga… Đêm diễn 13/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở diễn tiếp tục chinh phục được đông đảo khán giả yêu sân khấu Thủ đô Hà Nội.
Lan Hương
Theo MaskOnline