11 tuổi bắt đầu học hát, 14 tuổi theo bà nội, theo bố, theo cô, chú ruột và giáo phường đi khắp mọi nơi trong huyện, trong tỉnh Hà Đông và các huyện, tỉnh quanh vùng hát ca trù. Với chất giọng cao vút mà trong trẻo, gương mặt xinh xắn, nước da trắng mịn […]
11 tuổi bắt đầu học hát, 14 tuổi theo bà nội, theo bố, theo cô, chú ruột và giáo phường đi khắp mọi nơi trong huyện, trong tỉnh Hà Đông và các huyện, tỉnh quanh vùng hát ca trù. Với chất giọng cao vút mà trong trẻo, gương mặt xinh xắn, nước da trắng mịn màng, gương mặt ấy, tiếng hát ấy đã làm đắm say bao người. Và mỗi khi cô xuất hiện ở đâu là người người kéo đến nườm nượp để xem, để nghe cô hát và cầm chầu. Cô là Nguyễn Thị Khướu của năm xưa, nay đã là cụ Khướu ở tuổi 88, vẫn giữ được nét tinh nhanh, gương mặt đẹp, nước da trắng và giọng ca trù đầy truyền cảm.
Vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa bồi hồi, xúc động, cụ Khướu kể lại cho chúng tôi nghe những năm tháng tuổi trẻ đi khắp nơi ca hát với những vui, buồn của nghiệp cầm ca. Vừa nói chuyện với chúng tôi, cụ Khướu vừa khe khẽ hát một bài ca trù theo điệu thiên thai và mấy bài ca trù ở thể loại khác, với những câu như:
Tình rằng quãng vắng đêm trường,
Vì huê nên phải đánh đường tìm huê.
Hoặc: Thương thay người ở đôi quê,
Khi đi thì nhớ, lúc về thì thương…
Gần 90 tuổi mà giọng cụ vẫn trong, tròn, khỏe. Theo bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên thì CLB có 2 nghệ nhân dân gian là cụ Khướu và cụ Vượn là có giọng hát hay và chuẩn nhất. Các cụ có thể hát được nhiều thể loại ca trù, từ dễ đến khó như hát nói, hát miễu, thiên thai, thét nhạc, hát văn, kể chuyện ngắn, hát vặt, chúc cẩm hồi văn, gửi thư, thơ thổng…và phải có khả năng đặc biệt mới có thể hát được nhiều thể loại một cách thành công như vậy.
Giọng ca ấy đã từng im lặng suốt gần nửa thế kỷ, từ sau cách mạng Tháng Tám cho đến năm 1997, khi giáo phường ca trù Chanh Thôn giải tán, mỗi người mỗi ngả, mỗi nghề. Đến khi Hội văn nghệ dân gian Việt Nam và ngành Văn hóa Hà Tây (cũ) về Chanh Thôn tìm hiểu, gặp gỡ những người như cụ Khướu, ca trù Chanh Thôn mới được hồi sinh, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cụ Khướu là người vui nhất vì lại được sống trong không khí ca trù, như thuở mới lên 10. CLB ca trù Chanh Thôn ra đời, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ đỏ, cũng là lúc cụ Khướu cùng người chị em họ là nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Vượn hăng hái đi đến từng nhà vận động gia đình cho con em đi học hát, giữ cho ca trù Chanh Thôn phát triển và luôn có sự kế thừa, kế tục. Nhờ trí nhớ tốt, cộng thêm sự tận tâm, cụ Khướu đã tuyển chọn và truyền dạy ca trù cho nhiều thế hệ trong làng. Đến nay cụ đã truyền dạy ngón nghề cho mấy chục ca nương, gồm 5 thế hệ: Cao niên, trung niên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Khó khăn nhất trong việc truyền dạy ca trù của cụ hiện nay là thế hệ trẻ quá bận rộn, không có thời gian để học, hơn nữa học ca trù lại rất khắt khe, mất thời gian mới hát được tròn vành rõ chữ, có bổng, có trầm, lấy hơi, nhả hơi chỉnh chuẩn. Nhiều em đã qua khâu thử giọng nhưng sau một thời gian luyện tập vẫn không thể thành ca nương…
Yêu ca trù, cống hiến cho ca trù, nên những năm qua cụ Khướu đã cùng CLB đi biểu diễn ở nhiều nơi trong cả nước và đã tham dự 3 cuộc Liên hoan ca trù Toàn quốc do Bộ VHTTDL tổ chức, trong đó có 2 lần CLB giành giải thưởng cao: Năm 2011 giành 4 huy chương Vàng, trong đó có 1 Huy chương Vàng toàn đoàn; năm 2014 giành Huy chương Bạc toàn đoàn. Cá nhân cụ Khướu đã giành 1 Huy chương Vàng năm 2011, được phong tặng Nghệ nhân dân gian và mới đây nhất, năm 2015 cụ được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Hàng ngày cụ Khướu cùng con cháu trong nhà vui thú điền viên, nhưng lúc rảnh rỗi cụ lại hát ca trù cho thỏa niềm đam mê, cũng là một hình thức luyện giọng mỗi ngày. Và các buổi sinh hoạt CLB ca trù Chanh Thôn trong mỗi tuần, cụ Khướu lại đem hết tài năng và hiểu biết về ca trù để truyền lại cho các thế hệ học trò với một niềm mong muốn duy nhất: giữ cho ca trù Chanh Thôn mãi trường tồn.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Khướu
Quỳnh Quy