Trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy được huyện Thanh Oai gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI và Chương trình số 09-CTr/HU của Huyện ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thanh Oai, xây […]
Trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy được huyện Thanh Oai gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI và Chương trình số 09-CTr/HU của Huyện ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thanh Oai, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” đã thu được những kết quả tích cực.
Cùng với sự tăng trưởng khá về kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm và hoạt động hiệu quả, toàn huyện hiện có 100 nhà văn hóa thôn, trong đó có 63 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn. Công tác bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm đầu tư, hiện nay trên địa bàn huyện có 140/246 di tích được xếp hạng, 31 di tích được tu bổ và tôn tạo với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT được tổ chức sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên, số học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng, công tác xã hội hóa về giáo dục ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện có 33/69 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 47,8%. Công tác phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng. Công tác an sinh xã hội của huyện được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo giảm xuống còn 2,55%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện đồng bộ. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Năm 2015, số làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hoá là 96/116, đạt 82,75%; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào “Người tốt, việc tốt” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” tiếp tục được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Thanh Oai.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm đầu tư
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thanh Oai, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015 vẫn còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực văn hóa – xã hội ở một số xã, cơ quan, đơn vị chưa thật sự sâu rộng. Việc phát hiện, xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình, tiên tiến chưa được chú trọng. Chất lượng một số làng, đơn vị văn hóa còn chưa cao; công tác xây dựng các thiết chế văn hoá ở một số cơ sở còn chậm. Một số thôn, cụm dân cư chưa có nhà văn hóa, việc sinh hoạt phải tổ chức ở đình làng, chùa, trường học, thậm chí phải mượn nhà dân. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số nơi và ở một bộ phận cán bộ công chức, đảng viên chưa thực sự gương mẫu. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế…
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện đồng bộ
Để công tác phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thanh Oai, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn huyện ngày càng phát huy hiệu quả, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Thanh Oai sẽ huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và hoạt động có hiệu quả các trung tâm văn hóa xã, thị trấn, đặc biệt là đối với các xã, thị trấn nằm trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 của chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng năm có từ 2 – 3 làng văn hóa sức khỏe, 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa kiên cố đạt chuẩn và có điểm luyện tập TDTT theo tiêu chí nông thôn mới. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, ưu tiên tập trung quy hoạch, xây dựng không gian cùng các công trình phục vụ lễ hội Bình Đà xứng tầm di sản quốc gia; xây dựng phát triển và khai thác có hiệu quả khu du lịch sinh thái ở các xã: Thanh Cao, Cao Viên, Cao Dương; phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn với di tích, lễ hội và sinh thái; kêu gọi đầu tư các khu vui chơi giải trí nhằm phát huy thế mạnh của huyện ven đô. Tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế hiện đại, đưa Bệnh viện đa khoa Thanh Oai trở thành Bệnh viện hạng 2 của Thành phố. Chú trọng chuyển đổi nghề cho nông dân, nhất là đối tượng diện thu hồi đất. Quy hoạch phát triển trung tâm dạy nghề của huyện và trung tâm học tập cộng đồng của các xã, thị trấn để đào tạo nghề cho nông dân. Thu hút, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhân lực. Dành quỹ đất dọc tuyến đường phát triển phía nam (Cenco5) để quy hoạch, kêu gọi các trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề ở nội đô di chuyển ra. Thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ và hướng nghiệp dạy nghề. Xây dựng 1- 2 trường công lập chất lượng cao. Phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với các hoạt động phát triển văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với phong trào “Người tốt việc tốt”, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân, thực hiện tốt quy chế văn hóa nơi công sở…
Đức Long