Sáng 11/3, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tổ chức tọa đàm “Hình tượng Rồng trong mỹ học phương Đông” nhằm làm rõ hơn các hình tượng rồng và ảnh hưởng của rồng trong đời sống văn hóa Việt.
Tọa đàm “Hình tượng Rồng trong mỹ học phương Đông” nằm trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện rồng”, giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc tại các công trình tôn giáo tín ngưỡng qua bộ sưu tập của Bảo tàng Hà Nội và ứng dụng rồng trong đời sống – mỹ thuật đương đại được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc.
Tham gia tọa đàm là các diễn giả TS. Trần Hậu Yên Thế – Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Ngô Viết Hoàn – Giảng viên Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Lê Thời Tân – Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Theo các diễn giả, rồng là một biểu tượng văn hóa, là sản phẩm tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên – xã hội. Ở phương Đông, trong lịch sử phát triển của các dân tộc, hình tượng Rồng được gắn với các ý nghĩa phù hợp với tính chất thời đại như: biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng.
Trong tâm thức của người Việt, Rồng còn là cội nguồn của dân tộc với truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên”. Trong tư duy nông nghiệp, rồng là thần mưa giúp cho mùa màng bội thu. Rồng là một biểu tượng vô cùng thiêng liêng. Chίnh vì vậy, hὶnh tượng Rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đὶnh, đὶnh chùa, trang phục vua chúa và ở các triều đại cũng cό những khác biệt.
Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Hậu Yên Thế đã giới thiệu về hình tượng rồng trong tương quan so sánh nghệ thuật Đông – Tây. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng đưa ra quan điểm của mình về sự sáng tạo từ những linh vật, trong đó có linh vật rồng. Tiến sĩ đã đưa ra dẫn chứng từ Nhật Bản, “trong truyền thống, người Nhật ít có những linh vật ngộ nghĩnh, đáng yêu, thì trong công nghiệp sáng tạo hôm nay, họ lại tạo ra rất nhiều những linh vật dễ mến. Đó là những linh vật được thiết kế dễ thương của các địa phương, tổ chức, công ty hay của một sự kiện văn hóa nào đó. Và đây là một ngành kinh doanh nổi tiếng”.
Tại buổi toạ đàm, các diễn giả làm rõ hơn hình tượng rồng và ảnh hưởng của rồng trong đời sống văn hóa Việt. Đồng thời giới thiệu hình tượng rồng Việt qua các câu chuyện, qua các mảng trang trí kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, họa tiết hoa văn, đồ dùng sinh hoạt.
Hòa An