Triển lãm

‘Hoài niệm Hà Nội phố’ kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô

Chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018), Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hoài niệm Hà Nội phố”.

130 năm trước, năm 1888, thành phố Hà Nội chính thức được thành lập. Trải qua hơn 1 thế kỷ với tư cách là một đô thị trung tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Dương, Hà Nội vẫn luôn giữ được những nét văn hóa riêng biệt. Tại triển lãm này, thông qua các tài liệu và tư liệu lưu trữ tiêu biểu, trong đó một số lần đầu tiên được công bố, hy vọng sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về một Hà Nội xưa, ngàn năm văn hiến. Triển lãm cũng là sự kiện đặc biệt để chào mừng kỷ niệm 56 năm thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ và kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt.

Quảng trường Chavassieux (nay là vườn hoa Diên Hồng) và phủ Thống sứ Bắc Kì

Với 50 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn trưng bày, triển lãm sẽ mang đến một góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long – Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX. Qua đó, người xem được quay trở về không gian Hà Nội xưa với những khu phố, con đường, những di tích lịch sử, văn hoá cùng nhiều công trình mang đậm dấu ấn Pháp. Triển lãm được bố cục theo ba chủ đề: Từ Nhượng địa Pháp đến khu phố Tây, Phố cổ Hà Nội và Thành Hà Nội và phụ cận.

Tháp Hòa Phong

Từ Nhượng địa Pháp đến khu phố Tây: Chủ đề này tái hiện quá trình hình thành khu Nhượng địa Pháp cũng như khu phố Tây tại Hà Nội. Theo đó, năm 1873, người Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất. Đồn Thuỷ là khu nhượng địa đầu tiên mà triều đình nhà Nguyễn đã cắt nhượng cho Pháp với diện tích ban đầu rộng hơn 18ha. Khu đất này nằm bên bờ sông Hồng, phía Đông Nam nội thành Hà Nội.

Tại đây, Pháp cho xây dựng Toà Lãnh sự cùng nhiều công trình quân – dân sự nhằm mục đích bình định toàn xứ Bắc Kì và để chuẩn bị cho sự ra đời thành phố nhượng địa Hà Nội vào năm 1888. Cũng kể từ đây, người Pháp từng bước tiến hành cải tạo không gian Hà Nội, xây cất nhiều công sở, công trình công cộng, mở hàng loạt các tuyến phố mới mà người ta quen gọi là “khu phố Tây” như: phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền – Hàng Khay), phố Borgnis Desbordes (phố Tràng Thi), đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo)… nhằm biến nơi này thành khu vực dành riêng cho họ.

Cầu Thê Húc xưa

 Phố cổ Hà Nội: Là khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất hình thành từ thời Lý-Trần, nằm ở phía đông của Hoàng thành Thăng Long chạy dài ra sông Hồng. Nơi đây tập trung nhiều tiểu thương, phường thợ thủ công tinh hoa đến từ nhiều vùng miền khác nhau, hình thành nên những phố nghề mang tên ‘Hàng” như: Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Mã… Những ngôi nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán cũng trở thành nét đặc trưng rất riêng của phố cổ Hà Nội. Ngoài ra, khu vực này còn có rất nhiều di tích lịch sử lâu đời: đền Bạch Mã, chùa Thái Cam, Ô Quan chưởng. Các khu chợ sầm uất như Đồng Xuân – Bắc Qua, Hàng Da, Hàng Bè cũng được quy tụ tại đây.

Một góc chợ ở Hà Nội xưa

Trải qua bao thăng trầm lịch sử gắn liền với vùng đất Thăng Long – Hà Nội, đến nay, phố cổ Hà Nội vẫn luôn tấp nập người mua kẻ bán và là điểm đến thú vị đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội.

Thành Hà Nội và phụ cận: Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất ở Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, vua Gia Long cho xây lại thành Hà Nội vào năm 1805 theo kiến trúc Vauban của Pháp.

Thành hình vuông, mỗi cạnh chừng 1km xung quanh là hào nước sâu. Bốn bức tường thành tương ứng với bốn con phố hiện nay là:phố Phan Đình Phùng ở phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở phía Tây, với 5 cổng. Đến nay, di tích chỉ còn lại Cửa chính Bắc, rồng đá ở bậc thềm điện Kính Thiên…

Bản vẽ thành Hà Nội chỉ dẫn các tuyến phố và công trình chính xây theo phong cách hiện đại do L.Bezacier lập năm 1942 dựa trên các bản vẽ trước đó.

Ban tổ chức hi vọng, triển lãm còn là dịp để công chúng được tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội, đồng thời giúp các nhà quản lý đô thị, các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng như xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Những hình ảnh được giới thiệu tại triển lãm lần này chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều hình ảnh về Hà Nội đang được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 18 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” sẽ được trưng bày tại tuyến phố đi bộ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội vào các ngày 05-07/10, 12-14/10/2018 và tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ ngày 15/10/2018.

H.H

ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *