Thời gian qua, các cấp, ngành, cùng 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tích cực xây dựng nhiều mô hình, kêu gọi sự chung tay của người dân, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) Thủ đô ngày một xanh, sạch, đẹp hơn.
Tuyên truyền về BVMT tại các trường học.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm chính trị – hành chính, thương mại – dịch vụ của Hà Nội. Dân số quận khoảng 140.000 người, cùng một lượng lớn du khách trong và ngoài nước, đối tượng KT3, KT4. Điều này gây áp lực không nhỏ đến vấn đề môi trường, cơ sở hạ tầng. Những vấn đề môi trường chủ yếu phát sinh từ các nguồn như: Phương tiện giao thông, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở công nghiệp và từ hoạt động sinh hoạt của người dân và du khách. Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng sấp xỉ 10% ( Năm 2017: 215 tần/ngày; năm 2018: 225 tấn/ ngày; năm 2019: 230 tấn/ngày).
Xác định công tác BVMT là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch và kế hoạch phát triển quận, trong năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các Hội nghị triển khai và tập huấn công tác quản lý nhà nước về BVMT, kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, tới các cán bộ phòng, ban ngành của quận; Lớp tập huấn các quy định của pháp luật về BVMT cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, dự án đầu tư đầu tư xây dựng…UBND quận đã tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác BVMT tới 200 tuyên truyền viên là cán bộ cơ sở thuộc 18 phường với chủ đề: “Quản lý rác thải tại nguồn”, “Xua tan khói than, bình an lá phổi”…
Tổ chức tuyên truyền về BVMT và tiết kiệm năng lượng, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… đến học sinh đang theo học tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Các buổi tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức về BVMT qua những hành động nhỏ, thiết thực và cụ thể: Tích cực tham gia nhặt rác, quét dọn vệ sinh xung quanh nơi ở, trường, lớp học, bỏ rác đúng nơi quy định, giảm sử dụng rác thải nhựa khó phân hủy trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, hoặc chăm sóc cây xanh cho môi trường xanh, sạch, đẹp. …
Giới thiệu về bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong, góp phần BVMT.
UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các lễ hội văn hoá, thể thao, các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn. Đảm bảo sạch, đẹp 32 tuyến phố văn minh, 12 tuyến đường xuyên tâm, 5 khu vực vui chơi, giải trí….
UBND quận được lựa chọn là đơn vị thí điểm triển khai mô hình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến thân thiện với môi trường; để người dân thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong tự nguyện chuyển sang các loại bếp thân thiện với môi trường. Tính đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm được 2010/2525 bếp ( còn 515 bếp), đạt tỷ lệ: 79,6%.
Đối với phong trào hạn chế rác thải nhựa, đến nay tại trụ sở các phòng, ban ngành của quận, UBND 18 phường, các tổ chức chính trị, xã hội, các trường học, một số các cơ sở dịch vụ, kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã thực hiện: Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml-500 ml), không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.
Thực hiện kế hoạch phối hợp số 8299/KH-STNMT-UBND ngày 06/9/2019 giữa Sở Tài nguyên Môi trường và UBND quận Hoàn Kiếm về việc tổ chức thí điểm chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn quận, bắt đầu từ 1/10/2019, đã thực hiện thu gom tại 54 trường tiểu học và mầm non với số lượng vỏ hộp sữa thu gom mỗi tháng khoảng 3 tấn chuyển đi để tái chế thành giấy, vật liệu xây dựng…
Vũ Minh