Di sản

Hoàn thiện 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Với đề bài riêng “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, Cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức truyền thống” đã tìm ra 5 thiết kế đặc sắc nhất và các thiết kế này đã trải qua giai đoạn hoàn thiện.

Theo đó, cuộc thi Designed by Vietnam trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VNDW 2021 có chủ đề “Đánh thức Truyền thống” đã tìm ra TOP25+5 gồm 25 thiết kế ở 5 lĩnh vực chính của cuộc thi và 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các thiết kế này đã trải qua giai đoạn hoàn thiện, bắt đầu bình chọn online từ ngày 01/11 đến 30/11 tại địa chỉ https://vietnamdesignweek.com/designed-by-vietnam/top25-5/.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức truyền thống” đưa ra đề bài riêng “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám”. Được phát động từ đầu tháng 8/2021, Cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức truyền thống” với đề bài riêng “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám” đã tìm ra 5 thiết kế đặc sắc nhất và đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, bao gồm: Bánh trà Khuê Văn Các của tác giả Phạm Vũ Khánh; Bộ cờ tướng “Chiếu” của tác giả Nguyễn Quốc Duy; Khứ hồi của tác giả Lưu Như Ngọc; Văn của tác giả Hồ Trương Thanh Trúc; Văn bia Souvenir của tác giả Vũ Viết Dương.

Thiết kế “Bánh trà Khuê Văn Các”.

Thiết kế “Bánh trà Khuê Văn Các”, tác giả Phạm Vũ Khánh lựa chọn hình tượng Khuê Văn Các và sử dụng nguyên liệu trà Shan tuyết cổ thụ để sản xuất ra phẩm trà lên men. Bởi trong văn hóa Việt, trà là thức uống từ ngàn đời, tác giả lựa chọn hình tượng Khuê Văn Các mang biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, đề cao học vấn, biểu trưng cho văn hóa – giáo dục Việt Nam.

Thiết kế Bộ cờ tướng “Chiếu”.

Thiết kế Bộ cờ tướng “Chiếu” của tác giả Nguyễn Quốc Duy lấy ý tưởng từ chiếu chỉ, thánh chỉ vua ban, ngự ban, được sử dụng vào thời phong kiến, dùng để ban lệnh, kêu gọi đánh giặc hay dời đô. Mặt bàn cờ được dàn trên tấm “Chiếu chỉ”. Vật liệu được sử dụng cho mặt bàn cờ là vải gấm vàng, sử dụng hoạ tiết chìm của Quốc Tử Giám nhằm mang màu sắc của truyền thống và trân trọng lịch sử thời phong kiến.
Đồng thời, tác giả cũng mong muốn góp cho văn hóa mình một loại hình giải trí thường nhật thêm sinh động.

Thiết kế “Khứ Hồi”.

“Khứ Hồi” là một thiết kế về bộ tranh gốm lắp ghép, một sản phẩm làm quà lưu niệm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Thiết kế với mong muốn giảm thiểu nguồn vật liệu không thể tái chế, khi sử dụng những mảnh gốm bị vỡ ở làng gốm Bát Tràng, ngoài việc có thể tái sinh lại vật liệu mà còn trân trọng vẻ đẹp truyền thống của làng gốm có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Truyền thống không chỉ gợi nhớ qua những việc hoài cổ mà đó còn là nơi khởi nguồn của những kiến tạo trong tương lai, qua chủ đề “Đánh thức Truyền thống”, sản phẩm với mong muốn góp phần trong xu hướng thiết kế bền vững cũng như đánh thức những tình cảm về văn hóa, vẻ đẹp truyền thống làng nghề và tinh thần hiếu học vủa con người Việt.

Thiết kế “VĂN”.

“VĂN” được xây dựng từ hình ảnh minh họa các biểu tượng kiến trúc đặc trưng của công trình Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bộ nhận dạng Văn Miếu – Quốc Tử Giám được hình thành ban đầu với 5 khu kiến trúc: Cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, Bia Tiến Sĩ, Gác Chuông và Gác Trống, nhằm tạo ấn tượng cho du khách về những đặc trưng của một công trình cổ xưa của Việt Nam, và định hướng của sự bảo tồn đi đôi với phát triển văn hóa nghệ thuật. Các sản phẩm trong bộ lưu niệm được kèm công năng dùng trong lĩnh vực học tập, văn phòng – với chủ ý đưa hình tượng Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành đại diện cho việc học tập, trau dồi bản thân của con người.

Bộ vật phẩm “Văn Bia”.

Cuối cùng là bộ vật phẩm “Văn Bia” được thiết kế với phiên bản gốc rùa cõng bia đá, thừa hưởng từ vốn cổ. Bản thiết kế chính này được làm từ chất liệu gỗ tự nhiên phủ sơn mài và thiếp chữ vàng theo phương pháp cổ truyền. Ngoài ra còn có các phiên bản khác nhau về chất liệu và công năng hiện đại gần gũi trong cuộc sống. Ý tưởng trên thể hiện mong muốn đưa di sản lại gần hơn với đại chúng và di sản cũng được xem như cảm hứng trong cuộc sống thông qua việc tương tác với sản phẩm trong đời sống thường ngày.

Huyền Nhâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *