Tin ngành

Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017

Theo đó, Hội chữ sẽ khai mạc vào 09h00 ngày 21/01/2017 tại hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Ngày 16/01, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Ban liên lạc các Câu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội đã thông báo kế hoạch tổ chức “Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017”.

Hội chữ được tổ chức hàng năm với mong muốn trở thành địa chỉ văn hóa của người dân mỗi dịp đầu Xuân mới
Hội chữ được tổ chức hàng năm với mong muốn trở thành địa chỉ văn hóa của người dân mỗi dịp đầu Xuân mới

Theo đó, Hội chữ sẽ khai mạc vào 09h00 ngày 21/01/2017 tại hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Thời gian diễn ra Hội chữ từ ngày 21/01/2017 đến ngày 11/02/2017 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Bính Thân đến ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu).

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Hội chữ Xuân được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, là một sự kiện văn hóa thường niên vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Hội chữ nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của tầng lớp thanh thiếu niên học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô. Không chỉ vậy, Hội chữ cũng là một nét văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, năm nay BTC sẽ bố trí khoảng 50 lều (mỗi lều 2 người viết) tại khu vực Hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khác với những năm trước, các lều được bố trí xung quanh hồ Văn, những lều phía trong không thu hút được nhiều du khách, năm nay các lều sẽ được bố trí tại mặt tiền Hồ Văn.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Hội chữ năm nay sẽ có gần 100 ông đồ đến từ 13 CLB Thư pháp và một số người hoạt động tự do tham gia, đều là những người đã được tuyển lựa từ các cuộc sát hạch từ những năm trước và có thêm khoảng 10 ông đồ được tuyển từ cuộc triển lãm viết thư pháp chuẩn bị cho Hội chữ Xuân Đinh Dậu.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Kiêu cũng khẳng định, năm nay, lều chõng của các ông đồ sẽ được BTC hỗ trợ hoàn toàn và được làm bằng chất liệu tre nứa thay vì bằng bạt, vải như những năm trước. Và để tránh tình trạng vẫn có những trường hợp cố tình bày chiếu viết chữ tại đường Văn Miếu như những năm trước, BTC sẽ phối hợp chặt chẽ với phía công an, cương quyết dẹp bỏ tình trạng này, để trả lại mỹ quan cho khu Văn Miếu đồng thời cũng loại bỏ tình trạng thương mại hóa việc cho chữ.

Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội, cũng khuyến cáo, đây là năm thứ 4 Hội chữ Xuân được tổ chức, các ông đồ được tham gia cũng đã phải trải qua các cuộc khảo hạch, tuyển lựa rất kỹ, còn các “ông đồ” ngồi vỉa hè sẽ không thể đảm bảo đủ trình độ để “cho chữ” đúng chuẩn.

Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội
Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội

Bên cạnh hoạt động viết chữ, Hội chữ xuân Đinh Dậu còn có nhiều hoạt động văn hóa khác như các chương trình nghệ thuật, trò chơi dân gian trong thời gian diễn ra Hội chữ nhằm quảng bá, giới thiệu một số loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể như quan họ, hát xoan, ca trù, ví dặm… Ngoài ra, BTC còn bố trí khu vực giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống với hoạt động trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội (gốm sứ, thêu dệt, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng)…; Khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo – khám phá tranh Tết”; Khu vực trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan…

Đặc biệt, tại Hội chữ sẽ diễn ra Triển lãm thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo” với khoảng 30 bức thư pháp chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ do các “ông đồ” gửi về và được Ban Giám tuyển thẩm định về hình thức cũng như chất lượng; đồng thời cũng sẽ trao giải cho tác phẩm Thư pháp đẹp nhất.

Thúy Nga

(Mask)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *