Tin tức - Sự kiện

Hội làng Phong Triều

 Phong Triều trước kia có tên là xã Cự Đà, tên Nôm là làng Trào, dưới thời nhà Trần làng có tên Đăng Triều, sau gọi là trang Đăng Triều, xã Đăng Triều, tổng Mỹ Lâm, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Nay làng đổi tên là Phong Triều, xã Nam […]

 Phong Triều trước kia có tên là xã Cự Đà, tên Nôm là làng Trào, dưới thời nhà Trần làng có tên Đăng Triều, sau gọi là trang Đăng Triều, xã Đăng Triều, tổng Mỹ Lâm, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Nay làng đổi tên là Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Ngọc phả đình Phong Triều cho biết: Từ thời Hùng Duệ Vương  (vua Hùng thứ 18), trang Đăng Triều đã bắt đầu hình thành các tụ điểm dân cư. Dòng họ Nguyễn, Phạm, Phan, Lưu, Lâm, Lương, Trần, Hoàng, ứng đến đây từ buổi đầu khai hoang mở đất. Đất Phong Triều còn lưu lại truyền thuyết, trong đó có truyền thuyết về 2 giếng mắt rồng, truyền thuyết về ông Hoàng Xà, về Ngô công …

Hội làng Phong Triều hàng năm thường được tổ chức tại đình. Đình Phong Triều toạ lạc giữa làng. Đình được toạ lạc trong một khu đất rộng hơn nghìn mét vuông. Đi theo đường quốc lộ 1A rẽ xuôi về phía Nam, qua Đỗ Xá, Đừng, Nghệ, rẽ tay trái theo đường liên xã khoảng 2km là tới đình. Đình Phong Triều gồm Đại bái, Hậu cung và 2 nhà tả vu, hữu vu. Nhà chính được thiết kế theo kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái. Kiến trúc nhà Đại bái theo kiểu to lớn. Đình Phong Triều đã được tôn tạo lại thời nhà Nguyễn (năm Khải Định thứ 9 (1924)), được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay, với bốn vì kèo, làm theo kiểu chồng rường giá chiêng và cốn trang trí nhiều tích cổ như Bá Nha gảy đàn, Đế Thích đánh cờ, Lã Vọng câu cá. Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý giá như kiệu thời Lê, thần phả và 2 đạo sắc phong.

Đình Phong Triều thờ Đỗ Khắc Trung (có văn bản ghi tên là Chung) – nhà tình báo thời Trần (? -1330) , quê ở Giáp Sơn, Kính Chủ, Hải Dương, làm quan chức Chi hậu cục thư. Tượng nhà tình báo được khắc và đặt trang trọng giữa hậu cung. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Cuốn thần phả, hai đạo sắc phong về Thành hoàng Trần Công Tôn thần (Trần  Khắc Trung). Về vị Thành hoàng, Thần phả còn lưu giữ tại đình có ghi rằng:  Vào thế kỷ XIII nước ta bị giặc Nguyên – Mông xâm lược, ở thời kỳ này nổi lên một nhân vật tên Đỗ Khắc Trung. Vào cuối năm 1284 giặc Nguyên Mông lại âm mưu xâm lược nước ta lần thứ 2 nên đã điều 50 vạn quân chia thành 2 hướng tiến vào nước ta. Trước thế giặc mạnh như vũ bão khiến vua tôi nhà Trần phải đứng trước 2 sự lựa chọn: hoặc phản công, đánh bại âm mưu xâm lược của chúng hoặc là tạm thời rút lui, bảo vệ lực lượng, chờ thời cơ. Muốn chọn kế sách nào thì cũng phải nắm được tình hình địch. Chợt có người tâu nhà vua nên tìm người tài cử làm sứ giả sang tìm cách trì hoãn với giặc, đồng thời dò xét động tĩnh ra sao rồi hãy liệu cách. Vua đang suy nghĩ tìm người hiền tài thì trong số quần thần có người họ Đỗ huý là Khắc Trung làm chức Chi cục hậu thư tiến lên tâu rằng: “Thần tuy là kẻ hèn mọn bất tài, nhưng cũng xin được đi”. Vua liền khen: “Trẫm không ngờ trong đám ngựa kéo xe lại có những loại tuấn mã như ngươi”rồi vua sai mang thư đi làm kế giải hoà. Chiều ngày 17/2/1285, Đỗ Khắc Trung vượt sông Hồng lọt vào hành dinh của giặc. Tướng giặc ô Mã Nhi xem thư liền nổi giận  quát tháo: “Vương quốc các ngươi sao dám thô lỗ, thấy thiên binh đi qua mà không tiếp, ngược lại cho dân thích chứ “Sát Thát” vào tay, tội thật to, không thể tha thứ được”. Đỗ Công bình tĩnh đáp: “Chó của nhà cắn người lạ, thì không phải lỗi ở chủ nó. Vả lại chỉ vì lòng trung thành mà mọi người tự thích chữ  vào tay, quốc vương tôi không hề biết việc ấy”. Thấy Đỗ Khắc Trung đối đáp bình tĩnh, lời lẽ sắc sảo Mã Nhi nể phục phải lưu ông ở lại 1 đêm. Tranh thủ thời gian này Đỗ Khắc Trung đã khéo léo quan sát, tìm hiểu tình hình địch. Sáng sớm hôm sau, Khắc Trung tìm cách trở về Kinh thành một cách bí mật. Vì thế vua tôi nhà đã đưa ra quyết định kịp thời, đúng đắn: Tạm rút lui, lập vườn không nhà trống ở Kinh thành.

Lại nói Ô Mã Nhi, thấy Đỗ Công về rồi liền nói với các tướng của hắn rằng: “Người này tuy bị uy hiếp nhưng không tỏ ra khiếp nhược, không làm mất thể diện vua mình, không làm nhục mệnh vua, nước nó còn những người giỏi như thế, chưa dễ gì mà mưu tính được” rồi sai quân đuổi theo bắt Đỗ Công, song không kịp.

Không lâu sau lực lượng ta đã mạnh nên phản công lại giặc. Những trận chiến Tây Kết, Chương Dương, cuối cùng là giải phóng Kinh thành đã kết thúc cuộc kháng chiến. Với những đóng góp của Đỗ Công, nên vua Trần Anh Tông đã ban quốc tính cho ông. Từ đây ông được gọi là Trần Công và được phong chức nhập nội đại hành khiển (tức Tể Tướng). Ông được nhà vua rất tin dùng, đến nỗi cả việc gả Huyền Trân Công  chúa cho vua Chiêm Thành ông cũng được dự bàn. Chính sử có ghi chép lại việc Công chúa Huyền Trân lấy Chế Mân và được phong làm Hoàng Hậu. Khi Chế Mân mất, theo phong tục ChamPa thì Hoàng Hậu phải vào dàn hoả để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông lo ngại cho tính mạng em mình nên đã cử Trần Khắc Trung và An Phủ sứ Đặng Văn sang nước bạn dưới danh nghĩa viếng tang để cứu Huyền Trân đưa về nước. Một lần nữa Khắc Trung đã khôn khéo, mưu lược đưa Hoàng hậu Huyền Trân về Việt Nam an toàn. Cuối đời Trần Công được phong chức Thiếu Bảo (thời Trần Minh Tông) và dạy học cho Thái Tử.

Khi còn sống, những lúc nhàn rỗi Trần Công thường hay đi thăm thú dân gian, tìm hiểu thắng cảnh, phong tục đất nước. Ông thường làm việc công đức và ban ruộng, tiền cho nhân dân. Tước lộc càng cao, ông càng làm nhiều việc thiện. Đến trang Đăng Triều thấy phong cảnh đẹp, con người hiền hậu ông rất quý mến, thường xuyên thăm hỏi, chăm lo đến đời sống nhân dân địa phương, nhất là đê điều hay khi dân bị đói kém lụt lội. Già trẻ gái trai trong làng thảy đều quý mến và biết ơn ông nên khi ông qua đời năm Khai Hựu thứ 2 (1330) đời vua Trần Hiếu Tông nhân dân Đăng Triều đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng. Vua Hiếu Tông vô cùng thương tiếc vị công thần nên đã lệnh cho các triều thần làm lễ quốc tế, đưa về an táng tại quê nhà. Đồng thời cho phép những nơi ông từng đến và gắn bó được thờ phụng  ngàn đời, trong đó có làng Đăng Triều, nay là Phong Triều. Trải qua nhiều thời đại, Trần Công đã được hưởng ân điển của triều đình và được ban tặng nhiều tước hiệu như: Thái Giám, Chưởng Thái Giám thị trung hầu, Linh phù dực bảo trung hưng tôn thần. Đình Phong Triều hiện còn lưu nhiều câu đối, trong đó có đôi câu đối như sau:

Thử điền địa, thử nhân dân công thuỳ chi bất hủ

Vi nhật tinh, vi hà nhạt khí hạo thiên độc tồn

Dịch nghĩa:

Ruộng đất và nhân dân ở đây công để lại chẳng bao giờ nát

Làm mặt trời và ngôi sao làm núi sông khí tự nhiên còn mãi.

Qua nội dung thần phả thì được biết thời Trần vùng Đăng Triều là đất thái ấp vua ban thưởng cho Thiếu Bảo Đỗ Khắc Trung (được ban quốc tính là Trần Khắc Trung) vì có công trạng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông.

Hàng năm làng Phong Triều có 4 ngày việc làng là: Mồng 6 tháng Hai, 12 tháng Tám, mồng 6 tháng Chạp (nhân dân gọi đây là lễ chạp chào) và 12 tháng Chạp.

Hội làng Phong Triều hàng năm được tổ chức vào 3 ngày, từ ngày 6 đến ngày 8  tháng Hai. Hàng năm tổ chức hội lệ, cứ 3 hoặc 5 năm tổ chức đại đám một lần, tuỳ theo điều kiện của địa phương. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngày rằm tháng Giêng hội đồng tộc biểu sẽ tổ chức họp bàn việc tổ chức lễ hội, phân công, cắt cử  người tham gia các phần việc của hội theo xuất đinh. Sau đó trước ngày hội làng dân làng sẽ dọn dẹp làm vệ sinh làng xóm, treo cờ phướn, các tráng đinh được giao việc ra sông Hồng gánh cát về chuẩn bị sân vật, lau rửa đồ thờ.

Trình tự hội làng như sau:

Ngày 6 tháng Hai làm lễ mở cửa đình. Hôm đó tổ chức rước nước từ đình ra giếng chùa Cầu. Người ta múc đầy 3 choé nước rồi mang về để dùng làm lễ mộc dục và làm nước cúng quanh năm.

Đoàn rước nước sẽ đi theo đường Hoàng Xà, dài gần 2km, như hình vòng cung bao quanh làng và trở về vẫn trên cung đường ấy.

Lại nói về hội làng và lễ rước nước.

Thứ tự đoàn rước nước trong ngày hội làng như sau: Đi đầu là 5 lá cờ ngũ phương, với 5 màu sắc khác nhau, tiếp đến là kiệu thần, kiệu nước có lọng, tàn che, rồi kiệu long đình, kiệu bát cống, giá cỗ, các bài vị, phường bát âm, phường trống, phường hổ, phường rồng, nhóm múa sênh tiền do 2 gnười nam múa, rồi trống cái, chiêng,…Ông hề thống sẽ làm nhiệm vụ cầm cờ đi trước kiệu. Đi theo kiệu thần là những hàng nhiêu học do nam thanh thực hiện, tay cầm gươm hầu. Buổi sáng làng tổ chức rước nước về miếu, buổi chiều rước nước về đình, nghi thức và trật tự, đường đi như nhau. Xưa kia hầu như dịp đại đám nào cũng có hiện tượng kiệu long đình và kiệu thánh xoay, nhiều khi kéo dài cả buổi. Dân làng tin rằng đấy là thánh ứng giáng để ban phúc lành cho nhân dân. Dân các làng lân cận hay tin nên kéo đến xem đông nghìn nghịt khiến hội Phong Triều nức tiếng một vùng.

Ngày 7 tháng Hai tổ chức tế lễ. Đây mới là ngày chính hội. Tham dự lễ tế gồm quan viên trong làng, đội tế gồm ông chủ tế, 2 ông bồi tế, 1 ông thông xướng và 1 ông hoạ xướng, 2 hàng quan văn, võ. Lễ vật dâng lên thành hoàng gồm hương hoa, oản quả, rượu, xôi gà, thủ lợn. Thủ lợn dâng lên thành hoàng được làng cắt cử cho hàng giáp chăn nuôi cẩn thận trước đó. Xưa Phong Triều có 6 giáp : Đông, Đoài (Tây), Nam, Bắc, Thượng, Hạ. Vào ngày khai hội, làng sẽ tổ chức rước ỉ (rước lợn) từ các giáp về đình và tổ chức giết mổ, sau đó lấy thủ lợn, một ít thịt ngon, luộc chín để dâng lên thành hoàng.

Ngày 8 tháng Hai tổ chức rước kiệu thánh hồi cung từ miếu, theo đường Hoàng Xà đi xung quanh làng rồi rước về đình rồi làm lễ yên vị, lễ tạ, kết thúc lễ hội. Năm 1943 là năm Đại đám của làng tổ chức rất lớn, đến năm 1995 hội làng Phong Triều mới được khôi phục lại, quy mô và hình thức không hoành tráng như trước đây.

Trong những ngày hội làng, có nhiều trò chơi, trò diễn thú vị như vật (xưa làng có lò vật, tiếc rằng nay đã mai một), múa rối trước cửa đình, cờ tướng, cờ người, bắt vịt, hát chèo, hát ả đào.

Thanh Quy

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *