Sáng 29/10, tại trụ sở 47 Hàng Dầu, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị kêu gọi hợp tác thực hiện các sáng kiến Hà Nội- Thành phố sáng tạo. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có bà Trần Hải Vân, đại diện Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cùng sự góp mặt của đại diện Trường Quốc tế RMIT Việt Nam; Công ty cổ phần Ashui Việt Nam, Công ty TNHH HanoiA, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, trường học đã chia sẻ những thông tin cũng như các ý tưởng liên quan đến công nghiệp sáng tạo như: Trường Quốc tế RMIT với việc tiếp tục tổ chức Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021 thông qua việc tổ chức các sự kiện như chuyến thăm di sản văn hóa, hội thảo, triển lãm cùng nhiều hoạt động trực tuyến khác để bàn luận về tầm nhìn xu hướng, bản sắc văn hóa và cơ hội hợp tác tương lai trong ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Bằng cách tổ chức chuỗi hoạt động sáng tạo cho tất cả mọi người, Liên hoan sẽ góp phần thúc đẩy hỗ trợ mục tiêu chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội, thiết lập một “vành đai sáng tạo” với Hà Nội và các tỉnh thành phố khác để tạo thành mạng lưới rộng lớn.
Trong 3 đến 5 năm tới, Trường Quốc tế RMIT sẽ tiếp tục hỗ trợ UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao phát triển Hà Nội- Thành phố thiết kế sáng tạo thông qua việc tổ chức Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam cùng các đối tác; Tổ chức- Phối hợp hoặc đồng tổ chức- điều phối các hoạt động với VICAS và UNESCO; Phát triển nguồn nhân lực; Thí điểm các Trung tâm Thiết kế sáng tạo; Thí điểm xây dựng kho lưu trữ kỹ thuật số về Nghệ thuật, Thiết kế và văn hóa Việt Nam.
Từ kinh nghiệm tổ chức thành công các cuộc thi sáng tác kiến trúc như: Hà Nội 36 phố phường…ý tưởng cho một góc phố đẹp hay dự án phục dựng kiến trúc Hà Nội bằng công nghệ 3D; cuộc thi ý tưởng cái tạo công viên Thống Nhât cho tất cả mọi người, Hanoi Fly- Hà Nội, những góc nhìn từ không trung, Công ty cổ phần Ashui Việt Nam sẽ tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề đánh thức truyền thống nhằm tôn vinh các sản phẩm của các nhà thiết kế xuất sắc cảu Việt Nam thuộc 5 lĩnh vực: Truyền thông, Đồ nội thất, vật dụng và trang trí, Trang phục và công cộng. Đáng lưu ý là các hoạt động Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu- Quốc Tử Giám; Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô”, Triển lãm “TOP 25+5 Designed by Vietnam 2021”, Workshop “Đánh thức Truyền thống” dành cho sinh viên và các nhà thiết kế trẻ. Dự kiến các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 27/11 đến 03/12/2021 tại Hà Nội (Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám), Huế và Thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động phối hợp.
Công ty TNHH HanoiA mang đến ý tưởng tiếp tục phát huy và nhân rộng không gian văn hóa như mô hình “Ngôi Đình Di sản 38 Hàng Đào”, nơi được thành phố Hà Nội công nhận là cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với các sản phẩm thủ công truyền thống; đưa nghệ thuật sơn mài truyền thống vào các sản phẩm cao cấp như 3 mẫu đồng hồ phiên bản giới thạn dành riêng cho thị trường Việt Nam nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội từ hãng đồng hồ hàng đầu Thụy Sỹ, được chế tạo với tinh hoa sơn mài Urushi của Nhật Bản và ý tưởng thiết kế xuất sắc của HanoiA.
Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội hiện đang tập trung triển khai dự án phát triển “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt”. Từ tiềm năng của các phố nghề, làng nghề, Hiệp hội quyết định thành lập Trung tâm để phát huy giá trị nghề gốm Bát Tràng, trên nền diện tích 3300 m2, trong đó có “Trại sáng tác” để sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật, phát triển khu “Vườn ươm” dành cho thế hệ trẻ, sinh viên các trường Đại học muốn làm gốm, yêu gốm, đưa ra những ý tưởng thiết kế mới, sản phẩm mới, hoặc bán ý tưởng đề tài nghiên cứu cho các nhà sản xuất. Tổ chức không gian trưng bày để đón các tour du lịch thăm quan, trải nghiệm, giao lưu. Tổ chức không gian nghệ thuật tọa đàm, thông qua việc mời các chuyên gia gốm quốc tế, trong nước và nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống mang kiến thức để truyền cảm hứng và hỗ trợ cho những người làm nghề để nâng cao kiến thức, nắm bắt xu hướng và định hướng cho hoạt động sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó là dịch vụ ẩm thực và nghĩ dưỡng để phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Hà Nội có thể trụ hạng khi thực hiện được 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến quốc tế. Theo đó, Hà Nội cần đưa các dự án sáng tạo vào chuỗi các sáng kiến để đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Hà Nội cần sử dụng giải pháp thiết kế bao trùm để xử lý các vấn đề về không gian, di sản, nguồn lực vốn có để đưa ra những sáng kiến. Thiết kế bộ nhận diện, bộ chỉ dẫn liên quan đến sáng kiến để quảng bá. Các sáng kiến tại Hội nghị hôm nay là những gợi ý có thể phát triển thành sáng kiến địa phương hoặc sáng kiến quốc tế. Với vai trò của cơ quan nghiên cứu, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ đồng hành với các sự kiện của Hà Nội liên quan đến Thành phố sáng tạo.
Cùng quan điểm, bà Trần Hải Vân, đại diện Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn Hà Nội sẽ đưa các số liệu về văn hóa vào hệ thống chỉ số của Tổng Cục Thống kê để thấy sự đóng góp của văn hóa trong sự phát triển chung của Hà Nội; Tham khảo thông tin của các thành phố đã được công nhận là thành phố sáng tạo để có sự kết nối rộng hơn; tổ chức các cuộc khảo sát để giao lưu, nhìn thế giới và định vị bản thân. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng chung tay, coi thành phố là của mình để cùng nhau sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Buổi làm việc diễn ra trong không khí cởi mở và hợp tác
Thông qua việc trao đổi, thảo luận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng mong muốn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ cùng hợp tác thực hiện các sáng kiến. Hà Nội luôn xác định, trong văn hóa, con người là số một, vì vậy phải đầu tư nguồn lực con người để xây dựng văn hóa. Chúng ta sẽ cộng đồng trách nhiệm, tăng cường hợp tác với các nước. Kết quả của sự hợp tác là để tìm ra sản phẩm sáng tạo. Từ lợi thế của sông Hồng, hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ, không gian văn hóa nghệ thuật, phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghệ và viễn thông, đảm bảo an ninh, an toàn, phát huy năng lực sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện cam kết với UNESCO, xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á.
Thanh Mai
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm