Sáng 22/11/2024, tại Thư viện Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện.
Tham dự Hội nghị có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Đào Xuân Dũng; Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; đại diện Vụ Thư viện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và đại diện các phòng, ban, các đơn vị của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; đại diện các phòng VHTT, các Trung tâm VHTT&TT các quận, các phòng giáo dục của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: Luật Thư viện được Quốc hội khoá 14 thông qua năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Với việc tập trung vào những nội dung phát triển văn hóa đọc và hiện đại hóa, cập nhật hóa hệ thống thư viện, vấn đề liên thông thư viện … Luật Thư viện khẳng định rõ vai trò của thư viện trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Luật cũng đã tác động rất lớn đến văn hóa đọc trong các tầng lớp Nhân dân và tạo động lực và những bước phát triển mới cho ngành thư viện.
Trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Thư viện, Trưởng phòng Quản lý Văn hoá – Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Lê Thị Hồng Hạnh cho biết:. Để triển khai thực hiện Luật Thư viện trong công tác của Hệ thống thư viện công cộng Hà Nội, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện Hà Nội đã bám sát nội dung Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của thư viện công cộng tới toàn hệ thống thông qua các Hội nghị, Hội thảo chuyên môn của đơn vị và các chương trình tập huấn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo đơn vị chủ quản và cán bộ thư viện cấp huyện; đại diện chính quyền cấp xã, cán bộ phụ trách văn hóa và người làm công tác thư viện cấp xã nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc thực thi Luật. Qua đó nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện những căn cứ pháp lý quan trọng, những nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể trong công tác quản lý và hoạt động chuyên môn để vận dụng hiệu quả Luật Thư viện vào thực tiễn công tác ở thư viện của từng cấp trong hệ thống thư viện công cộng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc triển khai Luật Thư viện cũng được triển khai gắn với thúc đẩy thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó chú trọng 5 nhóm giải pháp với các biện pháp cụ thể: Một là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Hai là tiếp tục đổi mới dịch vụ và tổ chức các hoạt động khuyến đọc với nhiều hình thức khác nhau tại thư viện, ngoài thư viện và trên không gian mạng; Ba là đẩy mạnh việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; Bốn là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Năm là đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thư viện.
Cùng với đó, các thủ tục hành chính về lĩnh vực thư viện cũng được phân cấp quản lý rõ ràng với 3 cấp. Đó là các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (3 thủ tục), thủ tục thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện (3 thủ tục) và thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã (3 thủ tục).
Triển khai Luật Thư viện năm 2019, Thư viện Hà Nội tham mưu văn bản Sở Văn hoá và Thể thao trình HĐND thành phố Hà Nội về việc miễn phí sử dụng thư viện tại các thư viện công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành tại Nghị quyết số 07/2023/NQ- HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời miễn phí sử dụng thư viện tại các thư viện công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc của người dân Thủ đô. Nghị quyết đã có tác động tích cực đối với người sử dụng thư viện khi người dân đến đăng ký thẻ tăng nhanh; đồng thời tạo điều kiện khuyến khích độc giả yêu thích đọc sách giấy in, đến với thư viện nhiều hơn. Đây chính là nội dung rất có ý nghĩa xã hội, giá trị nhân văn của Luật Thư viện và hiệu quả từ việc triển khai Luật của UBND thành phố Hà Nội trong thực hiện các chính sách của nhà nước, Thành phố về phát triển văn hóa đọc.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh chia sẻ: Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm có 01 thư viện cấp tỉnh; 29 thư viện cấp huyện; 53 thư viện cấp xã; Ngoài ra có 1.096 Thư viện cộng đồng, thư viện, phòng đọc cơ sở; 13 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Sau khi Luật Thư viện năm 2019 được triển khai thực hiện, Thư viện Hà Nội được kiện toàn về bộ máy tổ chức, hoạt động, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Hệ thống thư viện cấp huyện đã dần đi vào ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, đặc biệt là nhu cầu hưởng thụ sách báo của Nhân dân. Công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng luôn được quan tâm.
Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, thư viện các cấp đã đạt được những thành tích nhất định trong việc lưu trữ, bảo tồn vốn tài liệu có giá trị, xây dựng phong trào đọc sách, duy trì và phát triển nhu cầu đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân. Công tác xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở được lãnh đạo các cấp bước đầu đã có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa; các thôn, cụm dân cư có trụ sở nhà văn hóa khang trang, tạo cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển và duy trì hoạt động của các thư viện, tủ sách.
Hằng năm thư viện cấp huyện đều tham gia tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc do Thành phố tổ chức như: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Tổ chức Hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách; Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội; Hội thi cán bộ thư viện giỏi thành phố Hà Nội; Cuộc thi “Gia đình đọc sách – Phát triển tủ sách gia đình, kết nối yêu thương”. Đặc biệt năm 2024, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội với chủ đề: “Phát huy hào khí Thăng Long – Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) đã đạt những kết quả đáng ghi nhận với gần 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức cuộc thi cấp trường, cấp xã; 100% quận, huyện, thị xã tham gia tổ chức vòng Chung khảo cấp huyện và xây dựng đội tuyển tham gia cuộc thi cấp thành phố.
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác như: Tổ chức nói chuyện, giới thiệu sách chuyên đề; triển lãm sách; Đẩy mạnh mô hình phát triển văn hóa đọc hiệu quả tại các thư viện trên địa bàn; Duy trì và phát triển thư viện, phòng đọc cơ sở được đẩy mạnh: trung bình mỗi năm thành lập mới từ 30 đến 40 thư viện, phòng đọc cơ sở. Một số quận, huyện có mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở phát triển mạnh và hoạt động hiệu quả như: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Phúc Thọ, Thường Tín, Hà Đông, Thị xã Sơn Tây.
Cũng tại Hội nghị, đại diện phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, Trung tâm VHTT&TT huyện Phúc Thọ và Thư viện Hà Đông đã có ý kiến tham luận về cách làm hiệu quả, các mô hình hay trong phong trào phát triển văn hóa đọc, tủ sách trong trường học, tại các thôn, làng và các thư viện cơ sở.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đã biểu dương các phòng, ban, đơn vị của Sở đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị tài liệu cho buổi lễ sơ kết và cảm ơn 6 ý kiến đăng ký tham luận thực tế của các đơn vị. Đồng thời khẳng định: Luật Thư viện ra đời đã tác động rất mạnh và làm thay đổi nhận thức không chỉ đối với những người làm công tác chuyên môn mà còn với cả các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Sau 5 năm thực hiện, cùng với nhiều chính sách khác của Đảng và Nhà nước, Luật Thư viện đã góp phần đã mở ra một bước phát triển mới cho hệ thống thư viện Thủ đô. Sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế, chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện… đã góp phần đưa hệ thống thư viện của Thủ đô ngày càng hoàn thiện về bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được các nhu cầu đọc sách và tra cứu thông tin, tài liệu của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biêt là thúc đẩy việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô. Qua đó cho thấy, Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả trong phát triển văn hóa đọc, tiêu biểu như: Mô hình “Cùng đọc sách hay- Hè vui bổ ích” tại Thư viện Hà Nội, Mô hình “Làng đọc sách” tại huyện Phúc Thọ; các câu lạc bộ “Tôi yêu sách”, “Cùng em đọc sách”, “Bạn đọc tuổi teen” tại Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao quận Tây Hồ… Thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt Luật Thư viện, những mô hình đọc sách hay sẽ được Hà Nội phát huy và nhân rộng, góp phần thực hiện tốt hơn nữa phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, phát triển toàn diện con người Việt Nam nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
PV