Sáng ngày 08/4/2025, tại Nhà hát Kịch Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2024”.
Dự hội nghị có các đồng chí: Bạch Liên Hương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; lãnh đạo một số quận, huyện, thị xã; lãnh đạo các Phòng quản lý Nhà nước, Ban Giám đốc các Nhà hát thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Ban Giám hiệu một số trường học trên địa bàn Thành phố…
Các đại biểu dự Hội nghị
Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2030 (gọi tắt là Đề án Sân khấu học đường) được thành phố Hà Nội triển khai trong những năm qua đã khẳng định tính hiệu quả, thiết thực: Tạo được sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp các em học sinh ngày càng am hiểu và yêu văn học, nghệ thuật dân tộc; mở ra một hình thức học tập hiệu quả mới cho các em học sinh Thủ đô.
Thời gian qua, các Nhà hát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai hiệu quả Đề án sân khấu học đường và đã thu nhiều kết quả tốt đẹp. Có thể kể ra đây những tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch và được các nghệ sĩ Hà Nội biểu diễn thành công, như: Chùm kịch “Lời bà kể” sử dụng 2 bài học trong chương trình môn tiếng Việt tiểu học là “Mồ Côi xử kiện” và “Cây nêu ngày Tết”; “Tinh thần thể dục” dựa trên tác phẩm văn học “Tinh thần thể dục” của tác giả Nguyễn Công Hoan; vở diễn “Thúy Kiều – một kiếp đoạn trường”; “Kiều” được lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du; “Nắm xôi kỳ diệu” dựa trên truyện thơ dân gian Thằng Bờm; “Cánh diều làng Vũ Đại” dựa trên tác phẩm Chí Phéo của nhà văn Nam Cao; “Cây tre trăm đốt” dựa trên cốt truyện dân gian Cây tre trăm đốt; “Chuyện người con gái Nam Xương” dựa trên tác phẩm truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ…
Qua các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học còn cho các em am hiểu thêm về những phong tục, tập quán, đức tính đẹp của người Việt, về không gian làng quê Việt, về những số phận người cụ thể. Bên cạnh đó còn phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu vẫn còn trong mỗi người…
Từ sân khấu, các em học sinh được gặp gỡ các nhân vật bước ra từ tác phẩm văn học một cách đầy sinh động, đầy màu sắc và hấp dẫn.
Thành công bước đầu của Đề án sân khấu học đường ở Hà Nội
Nhà hát Kịch Hà Nội được phân công là đơn vị điểm trong triển khai thực hiện Đề án sân khấu học đường này. Trong 3 năm thí điểm triển khai Đề án (từ 2022-2024), Nhà hát đã dàn dựng được 5 tác phẩm dựa trên tác phẩm văn học, biểu diễn được 172 buổi, phục vụ cho khoảng 80.000 học sinh tại 14 quận, huyện của Thủ đô. Các nhà hát Chèo, Cải lương Hà Nội cũng đã có hàng trăm buổi biểu diễn, phục vụ hàng ngàn các em học sinh xem các vở diễn chuyển thể từ tác phẩm văn học có trong chương trình sách giáo khoa. Riêng vở diễn “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất – 2024 tại Hải Phòng và xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan.
Từ năm 2022-2030, là giai đoạn trọng điểm của Đề án sân khấu học đường. Hà Nội phấn đấu sẽ biểu diễn 1.600 buổi cho tất cả các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố. Ở giai đoạn này, số lượng vở diễn được dàn dựng sẽ là 40 vở.
Đặc biệt, Đề án sân khấu học đường đặt ra mục tiêu cho Sở Sở Văn hoá và Thể thao là biểu diễn từ 1.800 – 2.000 buổi, cho khoảng 1.700 trường học trên địa bàn Thành phố. Cũng có nghĩa là 1 trường phổ thông của Hà Nội chỉ được tiếp cận 1 tác phẩm văn học của 1 loại hình nghệ thuật sân khấu trong suốt 8 năm triển khai Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khẳng định những hiệu quả tích cực của Đề án. Đồng chí đề nghị: Việc triển khai Đề án phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Thời gian tới, việc triển khai Đề án cần triển khai có quy mô lớn hơn nữa, đồng bộ hơn nữa. Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là những chủ thể cùng triển khai Đề án này. Đồng chí Giám đốc lưu ý việc tạo cơ chế hoạt động cho các Nhà hát, đồng thời cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về Đề án sân khấu học đường./.
Thanh Quy